(VOV5) - Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đang có chuyến thăm và làm việc tại Trung Quốc, tham dự Hội nghị thượng đỉnh thương mại và đầu tư Trung Quốc-ASEAN và Hội chợ Trung Quốc-ASEAN lần thứ 13. Trong bối cảnh cộng đồng kinh tế ASEAN đã ra đời, nhiều cơ hội hợp tác đang mở ra cho cả ASEAN và Trung Quốc nói chung và từng quốc gia nói riêng, trong đó có Việt Nam.
Việt Nam và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ vào tháng 11/1991, từ đó đến nay, thương mại, đầu tư giữa hai nước được khôi phục nhanh chóng và ngày càng phát triển.
|
Toàn cảnh hội nghị Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị bàn tròn đối thoại với các giám đốc điều hành (CEO) của các doanh nghiệp (DN) hàng đầu Trung Quốc.
. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Những con số ấn tượng
25 năm qua, tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam với Trung Quốc đã tăng gấp gần 2000 lần, từ mức hơn 30 triệu USD năm 1991 lên tới hơn 66 tỷ USD năm 2015. Tính đến hết tháng 7/2016, tổng kim ngạch thương mại Việt – Trung đạt hơn 38 tỷ USD, tăng 1,2% so với cùng kỳ 2015. Trung Quốc luôn là bạn hàng thương mại lớn nhất của Việt Nam còn Việt Nam hiện nay cũng trở thành bạn hàng lớn hàng đầu của Trung Quốc ở Ðông Nam Á. Hai bên đang quyết tâm áp dụng các biện pháp hữu hiệu thúc đẩy thương mại song phương phát triển cân bằng, bền vững, phấn đấu nâng mức kim ngạch thương mại song phương đạt 100 tỷ USD vào năm 2017. Về đầu tư, Trung Quốc đang có 1.500 dự án đầu tư tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký là gần 11 tỷ USD, đứng thứ 9 trong tổng số 116 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam tiếp tục tăng nhanh chóng cả về số lượng, quy mô và địa bàn đầu tư.
Những cơ hội mới
Trong bối cảnh mới, nền kinh tế Trung Quốc đang vươn lên trở thành một trong những nền kinh tế hàng đầu trên thế giới. Việc Cộng đồng ASEAN chính thức hình thành từ cuối năm 2015 đã và đang tạo đà cho quan hệ kinh tế ASEAN-Trung Quốc phát triển mạnh. Việt Nam cũng đang hội nhập kinh tế sâu rộng với việc tham gia hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do. Đến nay, Việt Nam đã tham gia 12 Hiệp định Thương mại tự do và đang đàm phán 4 Hiệp định thương mại khác, trong đó có Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) với sự tham gia của các thành viên ASEAN và Trung Quốc. Mới đây, Ngân hàng thế giới đã xếp hạng môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam tăng 3 bậc, đứng thứ 5 trong 10 nước ASEAN và phấn đấu, trong năm 2017, Việt Nam sẽ vào top ASEAN-4. Tất cả những điều này đang hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới.
Là quốc gia láng giềng có quan hệ kinh tế gần gũi với Trung Quốc, đồng thời là một thành viên tích cực trong ASEAN, Việt Nam đang thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác cùng có lợi với Trung Quốc, cả trên bình diện song phương và đa phương. Vì vậy, Việt Nam luôn tích cực tham gia các kênh hợp tác quan trọng mà Hội nghị thượng đỉnh thương mại và đầu tư Trung Quốc-ASEAN và Hội chợ Trung Quốc-ASEAN là một ví dụ. Dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự các hoạt động này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối thoại với các lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu Trung Quốc, đồng thời khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam trong mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư Trung Quốc: "Chúng tôi phấn đấu xây dựng môi trường kinh doanh cởi mở minh bạch cho mọi doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, với phương châm coi thành công của nhà đầu tư là thành công của Việt Nam. Chúng tôi xác định rõ hướng đi là xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động quyết liệt, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Tập trung hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để nâng cao năng lực cạnh tranh. Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp".
Sự có mặt đông đảo của hàng trăm doanh nghiệp hàng đầu Trung Quốc là biểu hiện sinh động của sự quan tâm của nhà đầu tư Trung Quốc đến Việt Nam. Các lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, dệt may, ngân hàng, giao thông, viễn thông và công nghệ thông tin, năng lượng, du lịch, được các nhà đầu tư Trung Quốc hết sức quan tâm. Tuy nhiên, quan điểm của Việt Nam cũng được người đứng đầu chính phủ khẳng định là Việt Nam đánh giá cao tiềm lực công nghệ của các nhà đầu tư Trung Quốc, song không tiếp nhận công nghệ lạc hậu để bảo vệ môi trường. Thủ tướng mong muốn đón nhận những công nghệ tiến bộ mới của Trung Quốc cho mục tiêu phát triển bền vững. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng mong muốn các nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư vào lĩnh vực năng lượng, lĩnh vực mà Việt Nam đang có nhu cầu cao. Đối với lĩnh vực này, Bộ Trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, cho rằng: "Trung Quốc cũng là nước có khả năng cao trong công nghệ về các nguồn năng lượng tái tạo và kể cả những công nghệ đang tiếp tục có sự cải tiến và nâng cao hiệu quả, giảm giá thành cả chi phí thiết bị cũng như chi phí sản xuất điện. Mục tiêu của Việt Nam đến năm 2030 nâng tỷ lệ trọng năng lượng tái tạo lên 20%, thì việc tham gia của các công ty, tập đoàn, phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam, ưu tiên cho điện gió, mặt trời là dư địa rất lớn".
Là một thành viên tích cực của Cộng đồng ASEAN, Việt Nam luôn coi trọng và ủng hộ hợp tác ASEAN - Trung Quốc, sẵn sàng phát huy vai trò cầu nối giữa ASEAN và Trung Quốc, cùng các nước ASEAN thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác trên các lĩnh vực, giữ vững hòa bình, ổn định, giải quyết khác biệt vì lợi ích của các bên để đảm bảo các hoạt động hợp tác kinh tế - thương mại được triển khai thông suốt, đóng góp tích cực cho hòa bình; hợp tác, phát triển và thịnh vượng chung của khu vực. Trước nhiều cơ hội mới, Việt Nam đang tích cực cùng Trung Quốc tranh thủ nắm bắt để thúc đẩy hơn nữa hợp tac kinh tế thương mại Việt – Trung trong thời gian tới.