Tăng cường đầu tư để vùng Tây Nguyên phát triển

(VOV5)- Tại hội nghị xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên năm 2017 diễn ra ngày 11/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo nhiều bộ, ngành đều khẳng định sẽ tạo mọi điều kiện để vùng Tây Nguyên phát huy mọi tiềm năng lợi thế, là điểm tựa phát triển của miền Trung, Đông Nam Bộ và cả Tây Nam Bộ. Trong khi đó, đại diện các nhà đầu tư cam kết đồng hành cùng chính quyền, nhân dân các tỉnh Tây Nguyên trong công cuộc phát triển.                   

Tăng cường đầu tư để vùng Tây Nguyên phát triển   - ảnh 1
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ khai mạc "Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 và Liên hoan văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên 2017". Ảnh: Thống Nhất –TTXVN

Thời gian qua, các tỉnh trong vùng Tây Nguyên tích cực đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, khai thác các tiềm năng, thế mạnh của vùng. Giai đoạn 2011-2015, tổng vốn đầu tư phát triển đạt gần 266 nghìn tỷ đồng, bình quân hàng năm tăng 11,33%. Tỷ trọng vốn đầu tư tư nhân tăng từ 53,4% lên 69,28%. Đến nay có 140 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn đầu tư gần 800 triệu USD. Giai đoạn 2016 - 2020, dự kiến nguồn vốn đầu tư toàn xã hội vào khu vực Tây Nguyên trên 230.000 tỷ đồng.

 

Tạo cơ chế đầu tư thông thoáng, cung ứng đủ nguồn vốn để sản xuất kinh doanh

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng nếu như trước đây đặt vấn đề ổn định tình hình của Tây nguyên lên hàng đầu để phát triển thì nay cần thay đổi quan điểm ấy, hiện đang là thời điểm thích hợp để đề cập tới quan điểm “phát triển để ổn định”. Bộ kế hoạch và đầu tư sẽ đồng hành cùng các tỉnh Tây Nguyên trong việc hiện thực hóa quan điểm này: “Bộ kế hoạch đầu tư cam kết đẩy mạnh hơn nữa vai trò tham mưu giúp Chính phủ kiến tạo đột phá trong cải cách  môi trường đầu tư kinh doanh, đổi mới phương thức hỗ trợ doanh nghiệp. Đồng thời Bộ sẽ cùng với các bộ,ngành hỗ trợ, phối hợp với các tỉnh của Tây Nguyên trong việc xây dựng chính sách đặc thù, quảng bá thông tin về môi trường đầu tư, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc nhằm phát huy tính liên kết vùng và huy động sử dụng tốt mọi nguồn lực để vùng Tây nguyên phát triển nhanh và bền vững.”

Tăng cường đầu tư để vùng Tây Nguyên phát triển   - ảnh 2
Ban Tổ chức trao giải cho các đội tham gia Hội thi Nhà nông đua tài với chủ đề "Nông dân sản xuất cà phê đảm bảo chất lượng và thân thiện môi trường". Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN


Về đảm bảo nguồn vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết ngân hàng Nhà nước cam kết tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành , địa phương hoàn thiện cơ chế chính sách tín dụng phù hợp với định hướng  phát triển kinh tế xã hội của khu vực Tây Nguyên và chỉ đạo hệ thống ngân hàng trên địa bàn tổ chức triển khai có kết quả các chủ trương chính sách tín dụng của Ngân hàng Nhà nước, góp phần đưa các chủ trương chính sách lớn của Đảng, Nhà nước đối với khu vực Tây nguyên thành hiện thực. Theo đó, một số nội dung trọng tâm sẽ được Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo hệ thống các tổ chức tín dụng tập trung triển khai trong thời gian tới một cách quyết liệt và mạnh mẽ: “Chúng tôi sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh huy động vốn tại chỗ và điều chuyển vốn đến địa bàn Tây nguyên, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho khu vực. Hệ thống ngân hàng sẽ bám sát quy hoạch phát triển vùng và từng địa phương để chủ động tiếp cận và tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân vay vốn đầu tư vào những lĩnh vực tiềm năng thế mạnh của vùng. Để cụ thể hóa một phần quyết tâm và tinh thần đồng hành cùng Tây Nguyên của ngành ngân hàng, tại hội nghị, các tổ chức tín dụng đã cam kết tài trợ hơn 29 nghìn tỷ cho 36 dự án phát triển kinh tế xã hội của vùng.”

 

Tạo thuận lợi cho đầu tư nước ngoài

Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Tây Nguyên khá khiêm tốn, hầu như chưa tiếp cận, thu hút được đối tác chiến lược. Tính đến nay, thu hút đầu tư nước ngoài ở khu vực này chỉ chiếm 0,65% về số dự án, khoảng 0,25% về số vốn đăng ký trong tổng số vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Gợi ý một số giải pháp đối với Tây Nguyên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh đến việc cần đổi mới phương thức xúc tiến đầu tư, cần tìm hiểu xem nhà đầu tư cần gì, muốn gì. Trong khi đó, để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư yên tâm làm ăn lâu dài tại Tây Nguyên và Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc  nêu rõ Việt Nam tiếp tục giữ ổn định kinh tế vĩ mô, giữ giá trị đồng tiền Việt Nam,bảo vệ quyền tài sản, quyền con người, quyền công dân theo hiến pháp và luật pháp đã quy định. Chính phủ cũng tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tốt hơn nữa, đưa Việt Nam vào tốp đầu ASEAN.

 

Về phía các nhà đầu tư, ông Shinya Ezima, Phó Chủ tịch Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), tổ chức có một số dự án đầu tư vào vùng Tây Nguyên nhiều năm qua, tin tưởng Tây Nguyên vẫn có tiềm năng lớn và tác động vào tiềm năng phát triển của các quốc gia khu vực biên giới. JICA sẽ tiếp tục đầu tư tại vùng Tây Nguyên trong thời gian tới: “JICA sẽ tiếp tục hỗ trợ vùng Tây nguyên cùng với Chính phủ Việt Nam và các đối tác phát triển trên toàn thế giới.  Từ cuối tháng này, JICA sẽ tiến hành thu thập dữ liệu từ 5 tỉnh Tây nguyên. Dự án sẽ thu thập các số liệu cơ bản về sử dụng nước, hệ thống thủy điện hiện tại vùng để JICA xác định rõ nhu cầu hạ tầng cần bổ sung cho vùng nhằm ngăn ngừa các tác động của biến đổi khí hậu.”

 

Tây Nguyên phấn đấu trở thành cao nguyên trù phú về nông nghiệp hữu cơ, đa dạng về sinh thái, giàu có về vốn văn hóa. Đây là tầm nhìn mà Thủ tướng đề ra cho vùng đất này.  Những cam kết được đưa ra tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên sẽ góp phần hiện thực hóa phần nào mục tiêu mà Thủ tướng đề ra, đưa Tây Nguyên phát triển nhanh và bền vững, thành một vùng kinh tế trọng điểm.            

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác