Tăng cường hợp tác nghị viện giữa Việt Nam và Thụy Sĩ

(VOV5) - Nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân, Đoàn đại biểu Hội đồng Nhà nước (Thượng viện) Liên bang Thụy Sĩ do Chủ tịch Ivo Bischofberger dẫn đầu hôm nay bắt đầu thăm chính thức Việt Nam. Việc lãnh đạo cao nhất của Thượng viện Thụy Sĩ chọn Việt Nam là nước đầu tiên đi thăm kể từ khi nhậm chức (tháng 11/2016) thể hiện sự coi trọng của phía Thụy Sĩ và cá nhân Chủ tịch Ivo Bischofberger trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác với Việt Nam. Chuyến thăm sẽ góp phần mở ra triển vọng hợp tác mới giữa 2 nước trên diễn đàn nghị viện cũng như trong lĩnh vực giáo dục và thương mại. 

                                                

Tăng cường hợp tác nghị viện giữa Việt Nam và Thụy Sĩ - ảnh 1
Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (Thượng viện) Liên bang Thụy Sỹ Ivo Bischofberger.


Trong chuyến thăm Việt Nam từ 28 – 31/3, Chủ tịch Ivo Bischofberger hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, tiếp kiến Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Chủ tịch Ivo Bischofberger dự kiến cũng có cuộc gặp với lãnh đạo Bộ Công thương, Bộ giáo dục và đào tạo Việt Nam.

 

Hợp tác hiệu quả trên nhiều lĩnh vực 

Việt Nam - Thụy Sĩ thiết lập quan hệ ngoại giao cách đây 46 năm (11.10.1971). Trong những năm qua, quan hệ song phương Thụy Sĩ-Việt Nam phát triển mạnh mẽ và hợp tác hiệu quả trên nhiều lĩnh vực.

 

Trên con đường phát triển và hội nhập quốc tế, Việt Nam luôn nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ có hiệu quả của Thụy Sĩ, đặc biệt trong các lĩnh vực tăng cường năng lực thể chế phục vụ công cuộc cải cách hành chính, phát triển nông nghiệp, xóa đói giảm nghèo, cải thiện dịch vụ y tế,... cũng như góp phần giúp Việt Nam hoàn thành các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc.

 

Quan hệ hợp tác thương mại giữa 2 nước những năm gần đây đã có những bước phát triển vượt bậc. Thụy Sĩ là đối tác kinh tế quan trọng của Việt Nam tại châu Âu. Quốc gia này đã dành cho Việt Nam nhiều quy chế ưu đãi về thương mại như Quy chế tối huệ quốc (MFM), Chế độ ưu đãi thuế quan phổ biến (GSP). Hai nước đang tích cực thúc đẩy quan hệ thương mại song phương. Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Khối Thương mại tự do châu Âu (EFTA gồm: Thụy Sĩ, Na Uy, Iceland, Liechtenstein) bắt đầu khởi động đàm phán từ tháng 5/2012 và đã trải qua 14 phiên đàm phán. Thụy Sĩ đặt mục tiêu sớm đi đến ký kết Hiệp định thương mại tự do này.

 

Trong khi đó, trao đổi thương mại song phương cũng có những tiến triển tích cực. 7 tháng đầu năm 2016, kim ngạch thương mại 2 chiều đạt 731 triệu USD (tăng 85% so với cùng kỳ 2015). Thụy Sĩ hiện có hơn 100 dự án đầu tư tại Việt Nam trong các lĩnh vực như công nghiệp chế biến, năng lượng với tổng số vốn hơn 2 tỷ USD. Đầu tư của Thụy Sĩ chủ yếu tập trung vào các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất, phân phối điện, khí, nước, điều hòa. Việt Nam cũng là 1 trong 8 nước được Thụy Sĩ ưu tiên dành viện trợ phát triển khi Chính phủ Thụy Sĩ cam kết viện trợ 90 triệu USD cho Việt Nam từ năm 2016 đến năm 2020

 

Hợp tác giáo dục đào tạo cũng là điểm sáng trong quan hệ 2 nước với việc Thụy Sĩ hỗ trợ Việt Nam thực hiện các dự án giáo dục về môi trường, quản lý và đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ chuyên ngành tài chính, ngân hàng, quản trị kinh doanh. Hai nước đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác giáo dục- đào tạo trong chuyến thăm Thụy Sỹ năm 2010 của nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết.

 

Trong khi đó, quan hệ hợp tác nghị viện giữa Việt Nam- Thụy Sỹ đang phát triển tích cực. Năm 2014, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng sang thăm chính thức Thụy Sĩ và gần đây là chuyến thăm của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng (tháng 10/2016). Trong chuyến thăm này, Quốc hội Việt Nam và Thụy Sĩ nhất trí tăng cường chia sẻ kinh nghiệm, tham vấn giữa Quốc hội và Thượng viện hai nước cũng như khẳng định tăng cường phối hợp giữa 2 bên trên các diễn đàn quốc tế. Đến nay, Việt Nam và Thụy Sĩ đều đã thành lập Nhóm Nghị sĩ hữu nghị song phương.

 

Triển vọng hợp tác mới  

Chuyến thăm Việt Nam lần này của Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Thụy Sĩ Ivo Bischofberger diễn ra trong bối cảnh quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Thụy Sĩ thời gian qua phát triển tốt đẹp. Chuyến thăm là sự tiếp nối trao đổi Đoàn cấp cao giữa hai nước, hai Cơ quan lập pháp nhằm củng cố và phát triển hơn nữa quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước nói chung, giữa Quốc hội hai nước nói riêng. Đồng thời nhằm trao đổi về các biện pháp tăng cường quan hệ hợp tác nghị viện trong khuôn khổ song phương, đa phương, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực hoạt động của Quốc hội và các vấn đề quốc tế, khu vực mà hai bên cùng quan tâm. Đáng chú ý, trong khuôn khổ chuyến thăm, dự kiến Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Ivo Bischofberger có buổi làm việc với lãnh đạo Bộ công thương, Bộ giáo dục và đào tạo Việt Nam. Điều này sẽ góp phần thúc đẩy 


tiến trình đàm phán Hiệp định thương mại tự do giữa Khối Mậu dịch tự do châu Âu với Việt Nam cũng như hỗ trợ Việt Nam phát triển giáo dục chất lượng cao, nhất là đào tạo nghề và gắn phát triển khoa học - công nghệ với đào tạo tại các trường đại học.

 

Chuyến thăm lần này của ông Ivo Bischofberger là chuyến thăm đầu tiên của Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Thụy Sĩ đến Việt Nam kể từ năm 1999. Hy vọng với nền tảng tốt đẹp của quan hệ song phương, chuyến thăm sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới giữa 2 nước, góp phần khẳng định việc Việt Nam là một trong hai đối tác quan trọng nhất của Thụy Sĩ ở Đông Nam Á.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác