(VOV5) - Trong 3 năm, virus SARS-CoV-2 đã lan ra khoảng 221 quốc gia và vùng lãnh thổ, với khoảng 642 triệu ca mắc, trong đó hơn 6,6 triệu người tử vong.
Ngày 11/3 tròn 3 năm Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chính thức tuyên bố COVID-19, căn bệnh do virus SARS-CoV-2 gây ra, là đại dịch toàn cầu. Sau 3 năm, một cuộc sống bình thường mới đã thiết lập nhờ những nỗ lực kiểm soát đại dịch ở từng quốc gia cũng như toàn cầu. Những cơn sóng dữ đã đi qua nhưng WHO vẫn duy trì cảnh báo ở cấp độ cao nhất trên toàn cầu với đại dịch này, để những mất mát, đau thương không còn tái diễn cho nhân loại.
Bệnh nhân xếp hàng chờ đăng ký lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc ngày 10/3/2020. Ảnh: THX/TTXVN |
Đại dịch COVID-19 gây ra bởi virus SARS-CoV-2 bắt đầu bùng phát từ tháng 12/2019 tại thành phố Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc ở miền Trung Trung Quốc. Trong suốt lịch sử, thế giới chưa từng ghi nhận virus nào có tốc độ lây lan nhanh chóng như virus SARS-CoV-2. Ngày 11/3/2020, WHO chính thức tuyên bố dịch COVID-19 là đại dịch toàn cầu.
Vào thời điểm đó, virus SARS-CoV-2 có mặt tại hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ, với trên 121.000 ca nhiễm, trong đó có hơn 4.300 ca tử vong. Nhưng chỉ 1 năm sau, số ca nhiễm trên thế giới đã tăng tới hơn 1.500 lần, lên hơn 181,7 triệu ca và số ca tử vong tăng hơn 630 lần, lên hơn 2,6 triệu ca. Trong 3 năm, virus SARS-CoV-2 đã lan ra khoảng 221 quốc gia và vùng lãnh thổ, với khoảng 642 triệu ca mắc, trong đó hơn 6,6 triệu người tử vong.
Những cơn sóng dữ
Kể từ ngày WHO tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu, thế giới đã chứng kiến diễn tiến dịch bệnh theo đồ thị hình sin do virus SARS-CoV-2 không chỉ tấn công bằng chủng gốc mà đã biến đổi thành các biến thể nguy hiểm, như: Alpha, Beta, Gamma, Delta và Omicron, cùng hàng chục biến thể khác sau này. Các biến thể sau dường như vượt trội hơn các biến thể trước về khả năng “né tránh” vaccine, kéo theo tốc độ lây nhiễm cao hơn, đẩy số ca nhiễm mới liên tục lập kỷ lục.
Sự biến đổi khó lường của virus SARS-CoV-2 kể từ sau khi WHO công bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu đã khiến thế giới gánh chịu những thiệt hại nặng nề. Ngoài thiệt hại về người, COVID-19 còn gây ra rất nhiều hệ lụy khác đối với nền kinh tế thế giới, như: làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, gián đoạn logistics, cùng tình trạng thiếu hụt và giá năng lượng tăng cao… Cụ thể, năm 2020 đã chứng kiến sự tàn phá nặng nề mà đại dịch COVID-19 giáng vào nền kinh tế thế giới. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới đã giảm 5,2% trong năm 2020 do các biện pháp đóng cửa nền kinh tế nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch. Nợ công ở các quốc gia thu nhập thấp tăng 12%, lên mức kỷ lục 860 tỷ USD trong năm 2020. COVID-19 đã làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo, tác động nghiêm trọng tới phát triển kinh tế - xã hội ở các nước đang phát triển.
Nỗ lực toàn cầu ngăn chặn đại dịch
So với giai đoạn năm đầu tiên WHO tuyên bố đại dịch, bước sang năm thứ hai (từ tháng 3/2021), những “cơn sóng dữ” mang tên biến thể đã làm thay đổi phương thức chống dịch của nhiều nước. Đặc biệt, sự ra đời của nhiều loại vaccine và thuốc điều trị hiệu quả đã tạo ra bước ngoặt trong cuộc chiến chống đại dịch. Cùng các chiến dịch tiêm chủng thần tốc, đẩy nhanh tỷ lệ người dân được bao phủ bằng vaccine ngừa COVID-19, số ca bệnh nặng và tử vong trên thế giới tỷ lệ nghịch với số ca nhiễm mới, chứng minh hiệu quả mà vaccine mang lại đối với cuộc chiến chống COVID-19 là không thể phủ nhận.
Nhờ nỗ lực tăng cường hợp tác quốc tế và chủ nghĩa đa phương trong ứng phó với đại dịch, nhiều cơ chế mới được thiết lập giúp phân phối hàng tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 đến các nước nghèo. Các kế hoạch thiết lập quỹ ứng phó đại dịch cũng như thỏa thuận nhằm bảo đảm nguồn ngân sách và tính linh hoạt cho WHO cũng dần được định hình. Chính những thành quả trên đã củng cố quyết tâm của các nước, coi COVID-19 không còn là đại dịch mà là bệnh đặc hữu, đồng nghĩa với việc chuyển hướng sang "sống chung an toàn", vừa kiểm soát các đợt bùng phát dịch, vừa mở cửa trở lại nền kinh tế và khôi phục cuộc sống bình thường. Năm 2022 được cho là một năm hồi sinh sau đại dịch của kinh tế toàn cầu khi tổng giá trị nền kinh tế thế giới vượt ngưỡng 100.000 tỷ USD. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng cho biết tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2022 đạt 4,9% và thương mại toàn cầu trở lại trạng thái bình thường.
Ba năm sau ngày WHO tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu, COVID-19 đã chứng minh không thể chống lại một đại dịch toàn cầu bằng nỗ lực đơn lẻ của từng nước. Điều đó có nghĩa xây dựng đoàn kết toàn cầu cũng là sự chuẩn bị sẵn sàng để mang lại cho mọi quốc gia cơ hội chiến đấu chặn đứng dịch bệnh. Theo WHO, đại dịch COVID-19 khó có thể bị loại bỏ hoàn toàn trong “một sớm, một chiều”. Song, hợp tác, nỗ lực nhiều hơn chính là con đường giúp chấm dứt đại dịch và “vĩnh viễn khép lại chương buồn của lịch sử nhân loại”.
VOV5 tổng hợp