Tăng cường quan hệ hữu nghị láng giềng Việt – Trung

(VOV5) -  Chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhằm tiếp tục đưa quan hệ Việt - Trung phát triển lành mạnh, ổn định vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, thịnh vượng của khu vực và thế giới. 

Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình, hôm nay (12/1), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bắt đầu chuyến thăm chính thức nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trong thời gian 4 ngày. Chuyến thăm nhằm tiếp tục đưa quan hệ Việt - Trung phát triển lành mạnh, ổn định vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, thịnh vượng của khu vực và thế giới. 

Tăng cường quan hệ hữu nghị láng giềng Việt – Trung - ảnh 1
Đại sứ Đặng Minh Khôi trả lời phỏng vấn



Chuyến thăm chính thức Trung Quốc lần này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng diễn ra vào thời điểm trước thềm kỷ niệm 67 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và Tết cổ truyền của hai nước, là dịp quan trọng để các nhà lãnh đạo cao nhất hai Đảng, hai nước gặp gỡ, đi sâu trao đổi các biện pháp tăng cường quan hệ, định hướng phát triển lành mạnh lâu dài cho quan hệ Việt - Trung. 

Hợp tác hữu nghị vẫn là dòng chảy chính

Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng, có mối quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời. Tình cảm hữu nghị giữa hai nước được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Mao Trạch Đông cùng nhiều thế hệ lãnh đạo tiền bối của hai Đảng, hai nước dày công vun đắp, trở thành tài sản quý báu của hai dân tộc. Quan hệ giữa hai nước tuy có trải qua thăng trầm nhưng hợp tác hữu nghị vẫn là dòng chảy chính.

Sau khi bình thường hoá quan hệ năm 1991, quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc phát triển nhanh chóng trên nhiều lĩnh vực. Hai nước đã thiết lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện năm 2008 để mở rộng và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Việt –Trung, nhằm đáp ứng lợi ích của nhân dân hai nước, cũng như vì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và thế giới. Thời gian qua, hai bên thường xuyên duy trì giao lưu và tiếp xúc cấp cao dưới các hình thức linh hoạt, góp phần tăng cường tin cậy chính trị, thúc đẩy hợp tác thiết thực, đưa quan hệ hai nước phát triển lành mạnh và ổn định. Đặc biệt, hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương hai nước tiếp tục được duy trì và mang lại hiệu quả thiết thực. Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Đặng Minh Khôi khẳng định: “Hợp tác giữa các địa phương Việt Nam và Trung Quốc là phần rất quan trọng. Từ 1991 đến nay sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ, hợp tác giữa các địa phương, nhất là 7 tỉnh biên giới phía Bắc và một số thành phố lớn khác như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, với các địa phương của Trung Quốc phát triển hết sức mạnh mẽ. Hợp tác này góp phần tăng cường hơn nữa trao đổi qua lại giữa hai bên, không chỉ thương mại, đầu tư mà cả giao lưu con người, đào tạo cán bộ”.

Quan hệ kinh tế, thương mại phát triển ổn định, lành mạnh, theo hướng ngày càng cân bằng hơn. Năm 2017, hai bên phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương đạt 100 tỷ USD. Trung Quốc hiện là thị trường nguồn du lịch lớn của Việt Nam. Năm 2016, khoảng hơn 2,3 triệu lượt khách Trung Quốc đến Việt Nam, tăng gần 60% so với cùng kỳ năm trước. Giao lưu nhân dân diễn ra sôi nổi, góp phần vào thúc đẩy hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước.

Nỗ lực kiên trì giải quyết bất đồng

Bên cạnh những thành tựu đạt được, hai nước còn tồn tại những bất đồng, đặc biệt là vấn đề biển Đông, đòi hỏi cả hai bên cùng phải nỗ lực kiên trì tháo gỡ khó khăn. Những diễn biến gần đây trên biển Đông càng cho thấy sự cần thiết phải giải quyết vấn đề bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế. Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước đã nhiều lần trao đổi và đạt được nhận thức chung quan trọng về việc giải quyết thỏa đáng bất đồng và tranh chấp trên biển trên cơ sở tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau, tuân thủ luật pháp quốc tế. Hai bên nhất trí thực hiện tốt các nhận thức chung và thỏa thuận cấp cao, “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc”; sử dụng tốt cơ chế đàm phán cấp Chính phủ về biên giới lãnh thổ Việt – Trung. Hai bên nhất trí cùng nhau kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp; thực hiện đầy đủ và hiệu quả “Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC), thúc đẩy sớm đạt được “Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông” (COC), giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. Về vấn đề này, Đại sứ Đặng Minh Khôi cho rằng: “Trung Quốc là một nước lớn, đang vươn lên và trỗi dậy hết sức mạnh mẽ. Từ năm 2010, Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới và hiện nay trong rất nhiều lĩnh vực khoa học, công nghệ, Trung Quốc đạt được những thành tựu hết sức to lớn. Nhưng chúng tôi cũng cho rằng Trung Quốc chỉ có thể phát triển và lớn mạnh được khi khu vực Châu Á-Thái Bình Dương hòa bình và ổn định và đây cũng là lợi ích của Trung Quốc. Trong trao đổi, chúng tôi đều nói rõ điều này và Trung Quốc phải làm sao để thế giới và khu vực nhìn nhận rõ Trung Quốc là một nước lớn trỗi dậy phát triển, nhưng đóng góp tích cực vào xây dựng hòa bình, ổn định ở khu vực”.

Chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên kể từ sau Đại hội XII của Đảng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng, khẳng định Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn coi trọng quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác bình đẳng cùng có lợi với Trung Quốc, coi đây là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam và luôn mong muốn quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc phát triển lành mạnh, ổn định, bền vững, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác