(VOV5) - Việt Nam hiện có khoảng 45.500 doanh nghiệp ICT. Tổng doanh thu của các doanh nghiệp này ước tính khoảng 126 tỷ USD.
Ngày 16/12, Việt Nam kỷ niệm Ngày Internet Việt Nam 2020. Bức tranh toàn cảnh về sự phát triển mạnh mẽ của internet tại Việt Nam cũng như sự tự do của người dân trong sử dụng Internet một lần nữa thể hiện rõ nét. Thực tế này là câu trả lời rõ ràng nhất về chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong việc đảo đảm quyền tự do ngôn luận và tiếp cận thông tin của người dân.
Hiện, Việt Nam là 1 trong 20 nước có tỉ lệ sử dụng Internet nhiều nhất thế giới với 68,17 triệu người dùng (chiếm 70% dân số) - Nguồn: Báo cáo Việt Nam Digital 2020
|
Cách đây hơn 20 năm, Việt Nam lần đầu tiên kết nối Internet. Tuy là nước cho phép mở Internet chậm hơn so với thế giới, nhưng đến nay, Việt Nam lại đang là quốc gia có sự phát triển Internet mạnh mẽ nhất và đây được xem là động lực cho phát triển kinh tế văn hóa xã hội và hội nhập quốc tế. Cụ thể, hiện, Việt Nam là 1 trong 20 nước có tỉ lệ sử dụng Internet nhiều nhất thế giới với 68,17 triệu người dùng (chiếm 70% dân số). Khoảng 94% người dùng Việt Nam sử dụng Internet thường xuyên với thời gian sử dụng trung bình lên tới 6 tiếng mỗi ngày. Nhiều báo cáo chi tiết của các tổ chức quốc tế về xã hội số, chính phủ số, kinh tế số cũng bổ sung rõ hiện thực khách quan này. Theo báo cáo EGDI của Liên Hợp Quốc, về chỉ số phát triển chính phủ điện tử, Việt Nam có điểm số cao hơn mức trung bình của châu Á và thế giới. Tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam hiện xếp thứ 6 về chỉ số phát triển chính phủ điện tử, sau Philippines, Brunei, Thái Lan, Malaysia và Singapore. Về chỉ số hạ tầng viễn thông, trong năm qua, Việt Nam đã tăng 31 bậc, đứng thứ 69 thế giới.
Việt Nam hiện có khoảng 45.500 doanh nghiệp công nghệ thông tin (ICT). Tổng doanh thu của nền kinh tế Internet Việt Nam trong năm 2020 đạt hơn 14 tỷ USD. Trong đó, thương mại điện tử chiếm tỷ trọng cao nhất, chiếm khoảng 7 tỷ USD. Đánh giá về sự phát triển internet tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ thông tin và truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho rằng: "Cách đây hơn 20 năm, khi Việt Nam lần đầu tiên kết nối Internet, chúng ta đã đặt những dấu chân số đầu tiên trên một miền không gian hoàn toàn mới – không gian mạng. Kể từ đó đến nay, chúng ta đã đi được một hành trình dài, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung của đất nước".
Việt Nam hiện có khoảng 45.500 doanh nghiệp ICT. Tổng doanh thu của các doanh nghiệp này ước tính khoảng 126 tỷ USD - Ảnh: VGP/Hiền Minh
|
Sự phát triển mạnh mẽ của Internet tại Việt Nam đã phản bác lại các nhận xét vô căn cứ của những tổ chức xếp Việt Nam nằm trong danh sách các quốc gia không có tự do Internet. Đồng thời thực tế trên cũng là lời khẳng định rõ ràng nhất cho quan điểm “việc đảm bảo các quyền tự do ngôn luận và tiếp cận thông tin là chính sách nhất quán của Việt Nam, được quy định trong Hiến pháp, pháp luật và được thực hiện đầy đủ trên thực tế. Nhà nước Việt Nam luôn chủ trương thúc đẩy sự phát triển của Internet nhằm phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, cũng như đáp ứng nhu cầu về trao đổi thông tin, học tập và làm việc của người dân”.
Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu lớn sau 20 năm mở cửa đón Internet. Giờ là lúc Việt Nam sẽ đi xa hơn và in dấu đậm nét trong không gian mạng toàn cầu. Lãnh đạo Việt Nam xác định nắm bắt thời cơ từ không gian mạng để phục vụ công cuộc phát triển đất nước mạnh hơn nữa, rộng hơn nữa, đảm bảo quyền tiếp cận Internet của người dân. Thứ trưởng Bộ thông tin và truyền thông Nguyễn Huy Dũng khẳng định: "Việt Nam sẽ tiếp tục mở rộng hơn nữa khả năng tiếp cận Internet theo tinh thần Internet cho tất cả mọi người, hướng tới phổ cập Internet toàn dân. Thực hiện mục tiêu của Chương trình Chuyển đổi số quốc gia: Mỗi người dân có một điện thoại thông minh; Mỗi hộ gia đình có một đường internet cáp quang tốc độ cao. Việt Nam cũng phát triển hạ tầng số quốc gia đáp ứng các yêu cầu mới về bùng nổ thiết bị thông minh IoT và giao tiếp máy - máy. Đưa Việt Nam trở thành điểm trung chuyển, thành Hub Internet của khu vực. Việt Nam cũng sẽ phát triển hệ sinh thái các nền tảng số đáp ứng nhu cầu của người dân Việt Nam và đi ra thế giới".
Có thế thấy những nỗ lực của chính phủ Việt Nam những năm qua trong việc tạo mọi điều kiện để Internet phát triển, hướng tới phổ cập Internet toàn dân. Những chính sách hiện hành cũng như định hướng phát triển Internet của Việt Nam đều tôn trọng việc mọi cá nhân được tiếp cận Internet, bày tỏ chính kiến trên không gian mạng, tự do ngôn luận hoàn toàn không bị hạn chế nếu chấp hành các quy định của pháp luật. Việt Nam không cấm sự phát triển của mạng Internet, mà chỉ nghiêm cấm mặt trái do Internet gây ra, trái với bản sắc văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân tộc, cản trở sự phát triển xã hội, xâm phạm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của đất nước.