(VOV5)- Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi), bổ sung thêm quyền tham gia của trẻ em trong các vấn đề liên quan đến trẻ em, sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét tại phiên họp đang diễn ra tại Hà Nội. Việc xem xét để tiến tới thông qua dự luật này trong năm 2015, năm đánh dấu 25 năm Việt Nam tham gia Công ước Liên hiệp quốc về Quyền trẻ em, có ý nghĩa lớn.
Dự thảo Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) bổ sung quyền tham gia của trẻ em nói lên ý kiến, nguyện vọng của lứa tuổi mình để các cơ quan, tổ chức tham vấn về những vấn đề liên quan đến trẻ em. Luật cũng quy định cụ thể hơn về trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan và cá nhân trong hệ thống quản lý Nhà nước, tổ chức chính trị xã hội, cơ quan đoàn thể khi tham gia vào lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Tiến đến xây dựng dự luật này, Việt Nam cho thấy đã làm tốt công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trong những năm qua.
Bước tiến trong công tác thúc đẩy và đảm bảo quyền trẻ em
25 năm qua, Việt Nam đã có những thành tựu và dấu mốc quan trọng về thúc đẩy và đảm bảo quyền trẻ em, đặc biệt là việc cải thiện hệ thống pháp luật, văn bản. Kể từ khi phê chuẩn và tham gia Công ước quốc tế về quyền trẻ em năm 1995, Việt Nam đã xây dựng Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em và nỗ lực triển khai thực hiện, kiên trì các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cả cộng đồng về quyền trẻ em. Ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho biết: “Cần khẳng định là Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, chăm sóc đến trẻ em. Chúng ta đã sớm ban hành Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Chúng ta đã có những chương trình trọng điểm quốc gia để triển khai thực hiện quyền của trẻ em, theo đó, trẻ em được chăm sóc, được giáo dục, được bảo vệ.”
|
Ảnh minh họa |
Về điều này, ông Jesper Moller, Phó trưởng Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) tại Việt Nam, khẳng định UNICEF đánh giá cao nỗ lực và quyết tâm của Việt Nam, đặc biệt là việc thông qua cơ sở pháp lý quan trọng là Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004. Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều cam kết quan trọng khác nhằm đảo vảo quyền dinh dưỡng của trẻ em, quyền được đến trường, quyền được tiếp cận với nước sạch và các điều kiện vệ sinh tốt hơn. Đây là những nỗ lực rất lớn của Việt Nam để đảm bảo trẻ em được lớn lên trong một môi trường trong lành và an toàn.
Thêm quyền cho trẻ em
Chính nhờ những quan tâm về mặt chính sách cũng như trên thực tế mà ngày càng nhiều trẻ em Việt Nam có cuộc sống tốt hơn so với trước. Nhưng vẫn còn khoảng cách khá lớn giữa trẻ em thành phố và nông thôn trong việc thụ hưởng những dịch vụ y tế cơ bản, về dinh dưỡng và giáo dục. Chương trình “Tin vào số 0” đang được Việt Nam phối hợp cùng UNICEF triển khai ở 8 tỉnh nhằm hoàn thành mục tiêu thiên niên kỷ và thu hẹp những khoảng cách đang tồn tại. Mục tiêu là tất cả trẻ em Việt Nam, đặc biệt là trẻ em nông thôn miền núi và trẻ em dân tộc thiểu số, được bình đẳng trong tiếp cận các dịch vụ y tế và giáo dục, giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi và tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng xuống còn 0%.
Song song đó, chính phủ Việt Nam ngày càng quan tâm hơn đến nhu cầu cũng như việc cần thiết phải lắng nghe trẻ em nói. Trước đây, hệ thống pháp luật Việt Nam chưa đề cập đến quyền tham gia của trẻ em, mà thực ra đây mới là quyền các em cần chủ động thực hiện với tư cách là công dân nhỏ tuổi của đất nước. Các em ở trong tư thế bị động, được hưởng thụ sự chăm sóc nhưng không được chủ động thực hiện quyền của mình. Quyền tham gia của trẻ em là quyền trẻ em được nói về các vấn đề của mình, đã được đề cập trong Dự thảo Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, mà Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến trong những ngày tới. Về điều này, ông Đào Trọng Thi nêu rõ: “Hiến pháp năm 2013 đã chính thức đề cập đến quyền trẻ em trong Hiến pháp cùng với các quyền khác. Và như vậy Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em mà chúng tôi đưa vào chương trình của Quốc hội chuẩn bị sửa đổi sẽ dự định lấy tên là Luật của trẻ em. Một chủ đề rất quan trọng là đề cập đầy đủ đến quyền của trẻ em trong đó gồm 4 quyền được quy định trong Công ước quốc tế về quyền trẻ em mà chúng ta đã tham gia. Đó là quyền sống còn, quyền phát triển, quyền được bảo vệ và quyền tham gia. Luật trẻ em mà Việt Nam sẽ ban hành sắp tới sẽ nhấn mạnh thực hiện đầy đủ 4 quyền trong đó có quyền tham gia, là quyền còn mới. Trước kia chúng ta chưa đề cập thì bây giờ chúng ta đề cập.”
Trẻ em có quyền phát biểu ý kiến, bày tỏ nhu cầu và các vấn đề liên quan đến tương lai của mình. Rồi tiếng nói của giới trẻ sẽ được cân nhắc trong quá trình hoạch định chính sách và các chương trình phát triển ở Việt Nam. Thêm quyền cho trẻ em trong các dự luật là tiến thêm một bước trong việc hoàn thiện các chính sách đảm bảo nhân quyền ở Việt Nam.