(VOV5) - Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đang gửi đi một thông điệp mạnh mẽ quyết tâm và giải pháp kiềm chế và đẩy lùi đại dịch Covid-19.
Trên cơ sở thực tế diễn biến và kinh nghiệm phòng chống dịch Covid-19 ở cả trong nước và trên thế giới, Việt Nam đã điều chỉnh và đang tích cực triển khai chiến lược mới về phòng chống dịch bệnh. Theo đó, chuyển mục tiêu “không ca mắc” (Zero Covid) sang mục tiêu thích ứng và chung sống an toàn với dịch bệnh, tạo điều kiện mở cửa và từng bước khôi phục hoạt động kinh tế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 - Ảnh: TTXVN |
Thích ứng an toàn để từng bước mở cửa và khôi phục hoạt động kinh tế, là sự điều chỉnh quan trọng trong chiến lược phòng chống dịch Covid-19 của Việt Nam. Cách tiếp cận mới này là phù hợp, tương đồng với chiến lược phòng chống dịch Covid-19 đang được ngày càng nhiều quốc gia khu vực và trên thế giới triển khai.
Thích ứng an toàn với dịch bệnh
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế - Bộ Y tế, thích ứng an toàn có nghĩa là không theo đuổi mục tiêu không có ca mắc Covid-19, mà chấp nhận có số ca mắc nhất định trong cộng đồng, nhưng phải đảm bảo an toàn tính mạng người dân và tiếp tục các hoạt động phát triển kinh tế xã hội, hoạt động sinh hoạt của người dân.
Tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2021 ngày 2/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, việc phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội phụ thuộc rất lớn vào kết quả phòng, chống dịch Covid-19. Căn cứ tình hình, xu hướng và kinh nghiệm quốc tế; căn cứ đặc điểm tình hình dịch, năng lực y tế, kinh nghiệm thực tiễn và kết quả, lộ trình tiêm vaccine; trước yêu cầu cuộc sống; trên cơ sở phân tích khoa học nhiều mặt, tham khảo ý kiến nhiều tổ chức, chuyên gia trong nước, quốc tế, có đủ cơ sở để Việt Nam chuyển hướng chiến lược sang: Thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Trong đó, cách ly, xét nghiệm và điều trị vẫn là những trụ cột chính. Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Vẫn phải bám 3 trụ cột mà chúng ta đã khẳng định: cách ly là một, xét nghiệm là hai, điều trị và chăm sóc là ba. Đã cách ly thì phải hẹp nhất, nhưng mà phải chặt và ngặt nghèo và kiểm soát tốt. Còn xét nghiệm là phải thần tốc, khoa học, hợp lý và hiệu quả. Trụ cột thứ ba về điều trị thì phải phân loại chăm sóc, điều trị từ sớm, từ xa, từ ngay tại cơ sở, để cho người bị nhiễm không bị chuyển nặng và không dẫn đến tử vong. Từ 3 trụ cột như thế thì chúng ta cũng đưa ra được một công thức để chúng ta làm đó là: 5K + vaccine + thuốc + công nghệ, rồi ý thức của người dân”.
Khẳng định việc mở cửa trở lại nền kinh tế là yêu cầu cấp bách, song Thủ tướng đồng thời lưu ý việc mở cửa phải thận trọng, có kế hoạch, lộ trình phù hợp, hiệu quả, thực hiện từng bước và linh hoạt áp dụng cho từng địa phương, bảo đảm hài hòa giữa mở cửa và an toàn dịch bệnh.
Sẵn sàng mở cửa, khôi phục hoạt động kinh tế
Song song nỗ lực thích ứng an toàn với dịch bệnh, Việt Nam cũng đã và đang tích cực triển khai hàng loạt công việc chuẩn bị cho việc mở cửa, phục hồi sản xuất. Ngày 3/10 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phục hồi sản xuất tại các khu công nghiệp trong bối cảnh phòng chống dịch Covid-19. Theo đó, doanh nghiệp thống nhất với UBND tỉnh, thành phố phương án sản xuất, đi lại, ăn ở của người lao động khi khôi phục sản xuất trong bối cảnh thích ứng với Covid-19. Các phương án phải đảm bảo an toàn phòng, chống Covid-19 trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Trước đó, liên tiếp trong hai ngày 25 và 26/9, Thủ tướng đã chủ trì một cuộc họp và một hội nghị quan trọng với các doanh nghiệp và địa phương trên cả nước để bàn phương án khôi phục hoạt động sản xuất.
Đáng chú ý, trong hàng loạt bước chuẩn bị cho việc mở cửa trở lại, từ nhiều tháng trước, Việt Nam đã tích cực triển khai chính sách “Hộ chiếu vaccine” (hộ chiếu sức khỏe y tế), nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các chuyên gia, đối tác, nhà đầu tư nước ngoài tới Việt Nam thực hiện đầu tư, kinh doanh, tìm hiểu thị trường.., tạo thêm động lực cho hoạt động kinh tế.
Bà Nguyễn Thị Hương Lan - Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao - Ảnh: Thế giới và Việt Nam |
Bà Nguyễn Thị Hương Lan - Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao - đơn vị chủ trì triển khai chương trình hộ chiếu sức khỏe y tế, khẳng định: “Tầm quan trọng của chính sách hộ chiếu vaccine trong chiến lược phục hồi kinh tế khi kiểm soát được dịch bệnh, đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ thể hiện tại nhiều văn bản quan trọng, từ kết luận số 07 ngày 11/6/2021 của Bộ Chính trị cho đến Nghị quyết số 105 ngày 9/9/2021 của Chính phủ. Trong đó, xác định việc công nhận hộ chiếu vaccine của nước ngoài là cơ sở để hoạch định chính sách nhập cảnh mới, tăng cường thu hút, tạo điều kiện tối đa để chuyên gia, nhà đầu tư, người nước ngoài nhập cảnh, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu kép, phục vụ phát triển kinh tế trong thời gian tới”.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cùng nhiều chuyên gia kinh tế có chung nhận định: Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đang gửi đi một thông điệp mạnh mẽ đến toàn thể nhân dân cũng như cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước quyết tâm và giải pháp kiềm chế và đẩy lùi đại dịch Covid-19. Virus Sars-CoV-2 không thể khiến Việt Nam phải đóng cửa nền kinh tế. Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục là điểm đến hàng đầu của các nhà đầu tư quốc tế.