(VOV5) - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa có cuộc đối thoại trực tuyến với các doanh nhân thuộc các thành phần kinh tế và cuộc gặp trực tiếp với công nhân 8 tỉnh thành vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Thông điệp của Thủ tướng tại các cuộc gặp này là coi trọng doanh nghiệp, trân trọng công nhân, tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp phát triển, cải thiện và nâng cao đời sống người lao động để hội nhập quốc tế vững vàng hơn.
|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói chuyện với các công nhân, người lao động. Ảnh: Thống Nhất-TTXVN |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có bước khởi động quan trọng khi bắt đầu nắm cương vị là người đứng đầu cơ quan hành pháp, đó là tổ chức buổi gặp gỡ với 1.000 doanh nghiệp trong và ngoài nước tại thành phố Hồ Chí Minh, trong ngày 29.4, để lắng nghe những kiến nghị của họ với một tinh thần thẳng thắn, cởi mở và hết sức cầu thị. Cùng với đó, ông cũng gặp gỡ với hơn 3.000 người lao động tại Đồng Nai, trong ngày 30.4, để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng chính đáng của tầng lớp công nhân.
Sự chỉ đạo quyết liệt
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho thấy sự quyết liệt hành động để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động trong bối cảnh hiện nay. Thủ tướng nêu rõ:“Kết quả của Hội nghị phải tạo ra niềm tin cho doanh nghiệp vào hệ thống cơ quan Nhà nước, tạo niềm tin xã hội , một niềm tin thị trường mới, niềm tin một chế độ tốt đẹp để mọi người hăng hái bắt tay vào lao động sản xuất, kinh doanh tốt hơn, nhanh hơn, nhiều hơn, hội nhập quốc tế vững vàng hơn”.
|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng quà cho đại diện công nhân, người lao động 8 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. Ảnh: Thống Nhất-TTXVN |
Rất nhiều vấn đề cụ thể mà doanh nghiệp kiến nghị liên quan đến sửa đổi chính sách, luật pháp như: Chiến lược quốc gia về ngành bán lẻ Việt Nam; sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; đào tạo nguồn nhân lực; những vấn đề khó của thị trường bất động sản…đã được Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành tìm hướng giải quyết. Theo Thủ tướng, tất cả các rào cản, thủ tục không cần thiết, những văn bản trái pháp luật làm ảnh hưởng đến sự phát triển của doanh nghiệp và của nền kinh phải được hủy bỏ. Chuyên gia kinh tế Huỳnh Thế Du nhận xét:“Nền kinh tế như thế nào, hoạt động ra sao trục trặc ở đâu thì chỉ có các doanh nghiệp, các khu vực kinh doanh người ta mới biết điều đó. Và Chính phủ là người trợ giúp cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp hoạt động tốt. Thành ra không chỉ có lắng nghe, mà phải thấu hiểu những khó khăn của doanh nghiệp thì mới làm tốt cho môi trường kinh doanh được”.
Coi trọng doanh nghiệp, người lao động
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hết sức coi trọng việc tôn vinh doanh nghiệp, doanh nhân. Ông khẳng định doanh nghiệp tư nhân phải là động lực để phát triền kinh tế. Điều này được các doanh nhân hết sức đồng tình. Bà Đào Thị Kiếm, Phó Tổng Giám đốc công ty thép Toàn Thắng, người có mặt trong cuộc gặp với Thủ tướng tại hội trường Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh, cảm kích:“Chính phủ đưa ra nhiều biện pháp, nhiều phương hướng và thay đổi để giúp các doanh nghiệp rất là nhiều. Tôi rất thích. Tôi mong đợi những chính sách mới để các doanh nghiệp mau hòa nhập với cộng đồng kinh tế thế giới”.
|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối thoại với công nhân, người lao động. Ảnh: Thống Nhất-TTXVN |
Tại buổi gặp mặt với người lao động, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp trò chuyện và giải đáp ngay các câu hỏi mà đại diện công nhân các tỉnh thành phía Nam đặt ra về các giải pháp nâng cao tiền lương thu nhập; chính sách hỗ trợ nhà ở, bảo hiểm, an toàn lao động, chính sách ưu tiên dạy nghề cho công nhân… Thủ tướng cho biết Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến công nhân lao động và sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách để giai cấp công nhân có đời sống vật chất, tinh thần tốt hơn nữa. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt nhấn mạnh đến việc học tập, tự rèn luyện nâng cao tình độ tay nghề của mỗi công nhân trong công cuộc hội nhập hiện nay. Anh Nguyễn Đức Xuân Minh Nhật, nhân viên công ty Trách nhiệm hữu hạn sản xuất thương mại Sáng Việt tại Long An, rất tâm đắc với thông điệp này của Thủ tướng:“Thủ tướng nói rất đúng, đó là mình phải nỗ lực bản thân. Trước khi yêu cầu nhà nước giúp đỡ thì mình phải tự mình rèn luyện để phát triển bản thân. Vì năng suất lao động mình cao thì công ty mới phát triển, mình mới có tiền lương cao được.”
|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Bằng khen của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho công nhân, người lao động tiểu biểu của 8 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. Ảnh: Thống Nhất-TTXVN |
Qua hai cuộc gặp gỡ với doanh nghiệp và người lao động, hai chủ thể tạo nên hoạt động của doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thể hiện tinh thần và kiên quyết hành động của Chính phủ nhằm tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp. Thủ tướng đồng thời khẳng định cùng với sự phát triển của doanh nghiệp, các cấp các ngành cần tăng cường xây dựng, phát triển đội ngũ công nhân lao động để họ được làm chủ hơn nữa trên quê hương, đất nước của mình.