(VOV5) - Chuyến thăm chính thức Ấn Độ của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhằm tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.
Nhận lời mời của Thủ tướng nước Cộng hòa Ấn Độ Narendra Modi, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Phu nhân hôm nay bắt đầu thăm chính thức Ấn Độ. Chuyến thăm chính thức Ấn Độ của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhằm tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước với trọng tâm là hợp tác kinh tế, đồng thời mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực khác, trao đổi các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.
Cách đây đúng 7 năm (năm 2007), trong chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Việt Nam và Ấn Độ đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược, theo đó xác định 5 trụ cột trong quan hệ Đối tác chiến lược, bao gồm chính trị, kinh tế, an ninh-quốc phòng, khoa học-công nghệ và văn hóa-giáo dục. Để triển khai hiệu quả mối quan hệ đối tác chiến lược này, hai bên đã liên tục trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là các chuyến thăm cấp cao, đồng thời đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu giữa các cơ quan, viện nghiên cứu, tiếp tục hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý chung để thúc đẩy hợp tác trong mọi lĩnh vực. Chuyến thăm Ấn Độ lần này của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhằm tạo cơ hội để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hợp tác hai nước trên tất cả các lĩnh vực.
Kinh tế thương mại tăng trưởng nhưng chưa tương xứng với tiềm năng
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, nhà ngoại giao, trên nền tảng quan hệ chính trị, ngoại giao tốt đẹp, quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước ngày càng phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, dù kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Ấn Độ tăng dần qua các năm với mức tăng trưởng bình quân 16%/năm trong vòng 5 năm qua, nhưng song tiềm năng phát triển còn rất lớn. Ông Vũ Quang Diệm, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam-Ấn Độ, cho rằng: Nhìn chung quan hệ kinh tế thương mại, văn hóa du lịch hai nước phát triển mạnh, nhất là trong những năm gần đây. Nhưng khách quan mà nói chúng tôi thấy vẫn còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng và mong muốn của hai bên. Tổng kim ngạch thương mại còn chiếm tỷ trọng nhỏ, khoảng 0.33% của Ấn Độ và 1,25% của Việt Nam và Việt Nam nhập siêu lớn. Đầu tư của Ấn Độ tuy có tăng nhưng không cao, đứng thứ 32/88 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đầu tư của Việt Nam vào Ấn Độ hầu như chưa có. Du lịch chưa được khai thác, số lượng còn hạn chế và chưa có đường bay thẳng. Nhưng tôi tin rằng với quyết tâm và nỗ lực của cả hai bên, quan hệ hai nước sẽ được thúc đẩy phát triển hơn nữa.
|
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Sushma Swaraj. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Cùng quan điểm, nguyên đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Rajit Rae khẳng định Việt Nam và Ấn Độ hiện đã xây dựng được mối quan hệ tuyệt vời trong lĩnh vực chính trị, quốc phòng và an ninh. Tuy nhiên, hai bên còn rất nhiều điều phải làm trong lĩnh vực kinh tế và thương mại: Trọng tâm của sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam, thương vụ Ấn Độ là làm sao kết nối được doanh nghiệp hai nước. Chúng tôi luôn chào đón các đoàn doanh nghiệp Ấn Độ sang Việt Nam để tìm hiểu các cơ hội hợp tác đầu tư. Bởi vì việc các đoàn doanh nghiệp Ấn Độ sang Việt Nam và những buổi giao thương sẽ giúp doanh nghiệp hai bên hiểu nhau hơn. Điều quan trọng hơn cả là tăng cường hơn nữa mối giao thoa văn hóa, sự hiểu biết văn hóa kinh doanh của mỗi bên để từ đó tìm được tiếng nói chung và định hướng cho phát triển.
Làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác chiến lược
Việt Nam luôn luôn khẳng định ưu tiên phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống và đối tác chiến lược toàn diện với Ấn Độ là chính sách nhất quán. Về phần mình, Chính phủ Ấn Độ luôn coi trọng Việt Nam là trụ cột trong Chính sách Hướng Đông; phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện với Việt Nam cũng là chính sách của tất cả các chính đảng tại Ấn Độ. Hai nước cùng chung nhiều điểm đồng và hợp tác chặt chẽ trên các diễn đàn khu vực và quốc tế. Nói về quan hệ Việt Nam-Ấn Độ hiện nay, lãnh đạo các cấp, các bộ, ngành và nhân dân hai nước đều khẳng định đó là mối quan hệ đặc biệt, không thuần túy chỉ vì lợi ích chính trị, kinh tế mà còn là tình cảm hữu nghị truyền thống bắt nguồn sâu xa từ trong quá khứ. Giáo sư Đặng Đình Quý, Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam chia sẻ: Việt Nam và Ấn Độ luôn là hai người bạn thủy chung, hai đối tác tin cậy, chia sẻ lợi ích, chia sẻ tầm nhìn. Quan hệ giữa hai nước đã tiến những bước dài. Quan hệ trên tất cả các lĩnh vực đang ngày càng phát triển, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước và đóng góp ngày càng lớn cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực.
|
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee trong chuyến thăm chính thức Việt Nam ngày 15/9/2014 |
Trước những thách thức đang nổi lên ở khu vực và thế giới, cả hai nước đều nhận thức rõ tầm quan trọng của việc duy trì quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp, làm sâu sắc hơn mối quan hệ đối tác chiến lược đã thiết lập. Cùng với quan hệ kinh tế, quan hệ hợp tác an ninh, quốc phòng cũng là một trụ cột quan trọng của mối quan hệ Đối tác chiến lược. Sự giao lưu văn hóa thường xuyên đã góp phần gắn kết tình cảm giữa nhân dân hai nước. Hai bên cũng phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế.
Diễn ra chỉ hơn 1 tháng sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee, chuyến thăm chính thức tới Ấn Độ lần này của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thêm một lần nữa khẳng định sự tin cậy chính trị giữa Việt Nam và Ấn Độ. Chuyến thăm, với những kết quả làm việc cụ thể, chắc chắn sẽ tạo động lực mới cho quan hệ Việt - Ấn trong thời gian tới./.