Tích cực, chủ động, trách nhiệm cao trước đòi hỏi của thực tiễn đất nước

(VOV5) - Quốc hội đã quyết định cho phép tăng bội chi ngân sách nhà nước trong 2 năm 2022 và 2023 bình quân 1-1,2% GDP/năm (tối đa 240 nghìn tỷ đồng).

Kỳ họp bất thường lần thứ nhất Quốc hội khóa XV bế mạc chiều 11/01. Tuy diễn ra trong thời gian ngắn và bằng hình thức trực tuyến, song những quyết sách được thông qua tại kỳ họp có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của đất nước, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực phục hồi kinh tế do ảnh hưởng của dịch COVID - 19.

Tích cực, chủ động, trách nhiệm cao trước đòi hỏi của thực tiễn đất nước - ảnh 1 Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường chủ trì họp báo công bố kết quả kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khoá XV. Ảnh: VOV

Kỳ họp bất thường lần thứ nhất đã kịp thời xem xét, quyết định một số vấn đề lớn, quan trọng, có tính chất cấp bách về kinh tế, xã hội, tài chính và ngân sách, để hỗ trợ kịp thời cho Chương trình phòng, chống dịch COVID - 19 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Ý nghĩa cho cả giai đoạn 2021 - 2025

Nghị quyết về chính sách tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội được Quốc hội thông qua tại phiên bế mạc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để đối phó với dịch COVID - 19, khắc phục những thiệt hại, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phục hồi thị trường lao động, giải quyết các vấn đề an sinh và phúc lợi xã hội. Đây là chính sách bổ sung, ngoài khung khổ chính sách tài chính, tiền tệ đã được Quốc hội quyết định trong các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội; kế hoạch tài chính, kế hoạch vay và trả nợ công, kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2021 - 2025.

Với quy mô khoảng 350.000 tỷ đồng, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội sẽ giúp Chính phủ chủ động trong công tác phòng, chống dịch COVID - 19 và hỗ trợ kịp thời cho phục hồi và phát triển bền vững kinh tế-xã hội. Chương trình được thực hiện chủ yếu trong hai năm 2022 và 2023, tập trung cho các lĩnh vực: y tế, phòng, chống dịch COVID - 19; an sinh xã hội, lao động và việc làm; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, chuyển đổi số,  thích ứng với biến đổi khí hậu và khắc phục hậu quả thiên tai.

Đáng chú ý, để triển khai kịp thời, có hiệu quả các chính sách tài khóa, tiền tệ nêu trên, bảo đảm thực hiện mục tiêu tăng trưởng bình quân 6,5-7% và các chỉ tiêu, mục tiêu kinh tế - xã hội cho cả giai đoạn 2021-2025, Quốc hội đã quyết định cho phép áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù về lựa chọn nhà đầu tư, phân cấp, ủy quyền... đối với các dự án quan trọng quốc gia, các dự án hạ tầng quan trọng, có quy mô lớn khác trong lĩnh vực giao thông và y tế thuộc phạm vi chương trình và yêu cầu Chính phủ, các cấp, các ngành. Để có nguồn lực thực hiện các chính sách tài khóa hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Quốc hội đã quyết định cho phép tăng bội chi ngân sách nhà nước trong 2 năm 2022 và 2023 bình quân 1-1,2% GDP/năm (tối đa 240 nghìn tỷ đồng).

Quốc hội cũng nhìn nhận phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Trong bối cảnh hiện nay, việc sớm triển khai thực hiện dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 càng có ý nghĩa thiết thực, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, góp phần phục hồi và tăng trưởng kinh tế, có tác dụng lan tỏa, củng cố liên kết kinh tế vùng. Do đó, các đại biểu Quốc hội đã dành nhiều thời gian để thảo luận và cho ý kiến về sự cần thiết đầu tư xây dựng công trình, sự phù hợp của dự án đối với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, quy hoạch có liên quan và phạm vi, quy mô của dự án; việc lựa chọn công nghệ, phương án giải phóng mặt bằng, tái định cư; về hình thức đầu tư; về sơ bộ tổng mức đầu tư; nguồn vốn và thu hồi vốn đầu tư; phương án phân chia cụ thể các dự án thành phần và tiến độ hoàn thành cũng như cơ chế, chính sách đặc thù để triển khai đầu tư dự án. Đánh giá về kết quả kỳ họp, cử tri Đặng Quốc Hữu, thành phố Yên Bái, cho rằng: “Kỳ họp đã thành công và cử tri tin tưởng vào những quyết sách của Quốc hội tại kỳ họp lần này. Cử tri cũng tin tưởng và hy vọng vào sự phát triển của Đất nước trong thời gian tới trong bối cảnh dịch bệnh được kiểm soát.  Có thể nói kỳ họp bất thường đầu tiên đã tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh để phục hồi và phát triển kinh tế”.

Phát huy trí tuệ tập thể

Đây là lần đầu tiên Quốc hội tiến hành kỳ họp bất thường nhằm kịp thời quyết đáp các vấn đề thuộc thẩm quyền, đáp ứng yêu cầu cấp thiết của đất nước, của doanh nghiệp, sinh kế và đời sống của Nhân dân. Mặc dù Quốc hội họp trực tuyến toàn bộ, nhưng các đại biểu Quốc hội tại 63 điểm cầu trong cả nước đã tích cực tham gia, thảo luận, nêu rõ quan điểm và tranh luận làm rõ nhiều vấn đề, hiến kế cho Quốc hội nhiều ý kiến xác đáng. Sau mỗi phiên thảo luận tổ và thảo luận trực tuyến, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và cơ quan có liên quan đã nỗ lực tối đa trong việc tổng hợp, tiếp thu, giải trình đầy đủ, nghiêm túc ý kiến của đại biểu Quốc hội để có dự thảo cuối cùng trình Quốc hội thông qua. Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng: “Đây là một minh chứng rất rõ nét cho nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Chúng ta đổi mới đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước và đáp ứng theo yêu cầu đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng trong thể chế các chủ trương, Nghị quyết của Đảng”.

Kết quả Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất đã thể hiện sự tích cực, chủ động, trách nhiệm cao của Quốc hội trước đòi hỏi của thực tiễn đất nước và mong muốn, nguyện vọng của người dân, doanh nghiệp; sự phối hợp chặt chẽ của Chính phủ và phối hợp chuẩn bị từ sớm của các cơ quan của Quốc hội trong việc chuẩn bị kỳ họp. Đồng thời, khẳng định Quốc hội, Chính phủ luôn lắng nghe ý kiến của cử tri và Nhân dân, không ngừng nỗ lực, quyết tâm đổi mới, kiến tạo nhằm kịp thời giải quyết hiệu quả các vấn đề thực tiễn đặt ra, khẩn trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, góp phần phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và phòng, chống dịch COVID -19.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác