(VOV5) - Đảng và Nhà nước rất chú trọng đến luận điểm bảo đảm tự do sáng tạo trong văn học, nghệ thuật. Đó được hiểu như quy luật của sự phát triển văn học, nghệ thuật.
Hội thảo khoa học toàn quốc "Nhìn lại 15 năm thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới" sắp diễn ra tại Hà Nội. Trong quá trình xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là sức mạnh nội sinh, là động lực phát triển. Trong đó, văn học nghệ thuật là lĩnh vực đặc biệt tinh tế của văn hóa. Phát triển văn học, nghệ thuật phải lấy người dân làm trung tâm, làm chủ thể, làm mục tiêu, góp phần hoàn thiện giá trị, nhân cách con người Việt Nam, hướng đến giá trị cốt lõi của dân tộc - giá trị chân - thiện - mỹ.
Quang cảnh hội nghị lấy ý kiến và đưa ra các giải pháp quản lý nhà nước, phát triển văn học do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tháng 12-2021. Ảnh: Vũ Mừng/hanoimoi.com.vn |
Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho sự nghiệp văn hóa nói chung, phát triển văn học, nghệ thuật nói riêng. Nền văn học, nghệ thuật Việt Nam có bước chuyển mình mạnh mẽ, thực hiện sứ mệnh trực tiếp xây dựng nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, bồi dưỡng, phát triển con người toàn diện.
Dành sự quan tâm đặc biệt cho sự nghiệp văn học, nghệ thuật
Ngay từ năm 1943, Đảng cộng sản Đông Dương (nay là Đảng cộng sản Việt Nam) đã ban hành "Đề cương văn hóa", thể hiện rõ quan điểm phát triển văn hóa, văn nghệ của Đảng, nêu lên nguyên tắc dân tộc hóa, đại chúng hóa và khoa học hóa trong xây dựng nền văn hóa mới.
Sang thời kỳ đổi mới, Đường lối, quan điểm về văn học, nghệ thuật thời kỳ đổi mới được đánh dấu bằng nhiều Nghị quyết quan trọng, trong đó có Nghị quyết 05 của Bộ Chính trị khoá VI về đổi mới và nâng cao trình độ lãnh đạo, quản lý văn học, nghệ thuật và văn hoá, phát huy khả năng sáng tạo, đưa văn học, nghệ thuật và văn hoá phát triển lên một bước mới (1987); Nghị quyết số 03 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII về Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc (1998). Trong đó, Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị khóa X về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” (2008)…đề ra mục tiêu tập trung mọi nguồn lực xây dựng nền văn học, nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; phục vụ có hiệu quả sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Hệ thống quan điểm có tính toàn diện của Đảng về văn học, nghệ thuật trong các văn bản trên nhấn mạnh yêu cầu tập trung mọi nguồn lực xây dựng nền văn học, nghệ thuật Việt Nam, xây dựng, phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ Việt Nam một cách toàn diện cả về số lượng, chất lượng với nhiều thế hệ gắn bó sâu sắc với nhân dân các dân tộc, với sự nghiệp đổi mới đất nước do Đảng lãnh đạo.
Trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế, văn học, nghệ thuật Việt Nam phải phát triển toàn diện và mạnh mẽ, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ… vừa có tác dụng định hướng, vừa đáp ứng nhu cầu văn hoá - tinh thần ngày càng cao của nhân dân… Trên cơ sở giữ gìn, phát triển, phát huy những giá trị của văn học, nghệ thuật dân tộc, tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế, tiếp thu có chọn lọc các giá trị nhân văn, tiến bộ của văn minh nhân loại, đồng thời ngăn chặn nguy cơ xâm lăng văn hóa.
Để thực hiện được các mục tiêu trên, Đảng đề ra chủ trương, xác định rõ các giải pháp đổi mới, phát triển văn học, nghệ thuật, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển mạnh mẽ, đa dạng của văn học, khuyến khích văn nghệ sĩ bám sát thực tiễn đất nước để sáng tạo nghệ thuật.
Đề cao quyền tự do sáng tạo trong văn học, nghệ thuật
Đảng và Nhà nước rất chú trọng đến luận điểm bảo đảm tự do sáng tạo trong văn học, nghệ thuật. Đó được hiểu như quy luật của sự phát triển văn học, nghệ thuật.
Việc bảo đảm tự do sáng tạo trong hoạt động văn học, nghệ thuật trở thành định hướng cơ bản của công cuộc xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Tinh thần đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với văn học nghệ thuật được xây dựng theo hướng vừa bảo đảm để văn hóa, văn học nghệ thuật phát triển, vừa bảo đảm quyền tự do dân chủ cá nhân trong sáng tạo trên cơ sở phát huy trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân.
Thực tế đường lối lãnh đạo của Đảng và thực tiễn đời sống văn học, nghệ thuật đã chứng minh: Đảng và Nhà nước luôn khuyến khích mọi tìm tòi, tôn trọng tự do sáng tạo của văn nghệ sĩ, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù đối với văn học nghệ thuật và văn nghệ sĩ phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bảo đảm quyền tự do sáng tạo là quan điểm nhất quán trong chủ trương của Đảng, là một nhận thức về mặt khoa học đối với đặc trưng của văn học, nghệ thuật. Đây là điều kiện cần để tạo ra được những giá trị lớn của những tác phẩm lớn. Nhưng đồng thời, để bảo đảm văn học, nghệ thuật phát triển đúng quy luật, thì Đảng cũng yêu cầu phải gắn liền tự do sáng tạo ấy với trách nhiệm công dân và với quyền con người.
Văn học, nghệ thuật vốn dĩ có trọng trách đấu tranh bảo vệ, nuôi dưỡng, khẳng định cái mới, cái tích cực, cái tốt đẹp. Việc Việt Nam đảm bảo tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật sẽ tạo thêm động lực lớn về mặt tinh thần đề xây dựng và phát triển đất nước.