Tìm kiếm đồng minh đối chọi

 Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad đang có chuyến thăm bốn nước Mỹ La tinh. Trong lúc quan hệ Iran-Mỹ đang đối đầu căng thẳng và Iran liên tục chịu các lệnh trừng phạt kinh tế từ Mỹ và phương Tây, chuyến đi này được xem là bước đi có tính toán của Tehran nhằm tăng cường sự ủng hộ ở khu vực Mỹ Latinh, cả về mặt chính trị và kinh tế.

 Tìm kiếm đồng minh đối chọi - ảnh 1 Ảnh - nguồn: Internet


Cả bốn nước mà ông Ahmadinejad tới thăm gồm Venezuela, Nicaragua, Cuba và Ecuador đều là những nước lâu nay vốn có quan hệ ngoại giao “lạnh nhạt” với Mỹ. Trong vòng vài năm trở lại đây, nhiều quan chức những nước này đều có các chuyến thăm Tehran để thiết lập quan hệ ngoại giao và kinh tế. Vì vậy, chuyến công du tới bốn nước này của Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad không nằm ngoài mục đích tìm kiếm đồng minh nhằm đối chọi với Mỹ.

 

Ông Ahmadinejad đã chọn Caracas là điểm đến đầu tiên trong chuyến công du 5 ngày của mình tới bo nước Mỹ Latinh. Không phải ngẫu nhiên bởi còn nhớ, cách đây hơn 1 năm, Mỹ đã áp dụng lệnh trừng phạt đối với công ty dầu mỏ của Venezuela vì cung cấp 2 chuyến tàu chở hàng cho Iran. Trước đó, năm 2008, Mỹ cũng trừng phạt ngân hàng thuộc sở hữu của Iran ở Caracas với cáo buộc cung cấp tài chính ủng hộ chương trình vũ khí của quốc gia Hồi giáo này.

 

Diễn biến mới nhất là việc Mỹ ra lệnh trục xuất Tổng lãnh sự Venezuela tại Miami vì bị tình nghi đã cùng với các điệp viên của Cuba và Iran tham gia tổ chức các vụ tấn công vào hệ thống máy tính của các cơ quan đầu não của Mỹ, trong đó có Nhà Trắng, Cục Tình báo trung ương, Cục điều tra liên bang và Lầu Năm Góc… khi bà còn là tùy viên văn hóa của Venezuela tại Mexico cách đây 5 năm. Chính những động thái này càng khiến Iran và Venezuela xích lại gần nhau hơn. Bởi vậy, chọn Venezuela là ý đồ có chủ đích của Tổng thống Iran.

 

Ngay trước thềm chuyến thăm, ông Ahmadinejad đã đưa ra những lời “có cánh” ca ngợi người đồng cấp Caracas là một người hùng chống chủ nghĩa đế quốc, nỗ lực phục vụ cho nhân dân nước mình và đã chấm dứt sự phụ thuộc về chính trị và kinh tế vào nước khác của Mỹ Latinh. Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad cũng nêu rõ Tổng thống Nicaragua là một nhà cách mạng chống bá quyền, theo đuổi độc lập, tiến bộ và công bằng của nước mình. Đương nhiên, sự bắt tay hợp tác giữa các nhà lãnh đạo “khó ưa” ở khu vực Mỹ Latinh là điều mà Washington không hề muốn. Mỹ đã lập tức lên tiếng cảnh báo hiện nay không phải là thời điểm tăng cường quan hệ với Iran, cả về an ninh và kinh tế. Đáp lại, Tổng thống Hugo Chavez đã thẳng thừng tuyên bố các nước Mỹ Latinh hoàn toàn độc lập trong quyết định của mình về mối quan hệ đối với các nước và cho rằng Mỹ nên tập trung vào vấn đề của chính nước mình chứ không nên tham gia vào công việc của các nước khác.

 

Theo các chuyên gia phân tích, trong bối cảnh Mỹ và các nước phương Tây ngày càng thắt chặt các biện pháp trừng phạt nhằm cô lập Iran, các quốc gia thuộc Mỹ Latinh lại không mặn mà trong quan hệ với Mỹ, chiến thuật bắt tay hợp tác sẽ giúp cho Iran thiết lập được một mạng lưới đồng minh vững chắc. Trong trường hợp bị Liên minh châu Âu tẩy chay cung cấp dầu mỏ cho các quốc gia đồng minh, Iran đã có thị trường mới là Mỹ Latinh. Đó là chưa kể đến việc các quốc gia đồng minh ở Mỹ Latinh có thể ủng hộ Iran phản đối việc Mỹ và một số nước khác như Anh đưa tàu chiến tới vùng Vịnh, làm ảnh hưởng tới an ninh trong khu vực này.

 

Ngoài ra, trong chuyến công du này, Iran và bốn nước Mỹ Latinh sẽ ký kết một loạt thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực năng lượng và xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó có xây dựng một nhà máy thủy điện ở Ecuador. Ecuador cũng hợp tác với Iran trong việc mua vũ khí, trong đó có hệ thống rada và một số xe quân sự. Tại Nicaragua, Iran cũng đồng ý hỗ trợ nước này xây đập nước và đầu tư xây dựng một hải cảng…. Được biết, hiện, mức đầu tư của Iran ở thị trường Mỹ Latinh vẫn còn khá khiêm tốn, nhưng sau chuyến công du này, mọi thứ có thể sẽ khác.

 

Trên thực tế, quan hệ Tehran và Washington đang ở thế đối đầu hết sức căng thẳng và đang ngày càng gia tăng. Động thái cứng rắn nhất và gần đây nhất từ phía Mỹ là đạo luật cấm vận do Tổng thống Barack Obama ký vào ngày cuối cùng của năm 2011, gây ra nhiều khó khăn và giảm lợi nhuận từ việc bán dầu mỏ của Iran. Vì vậy củng cố quan hệ với các nước đối đầu với phương Tây lúc này là một lựa chọn không thể bỏ qua đối với chính quyền Ahmadinejad. Chuyến thăm của ông Ahmadinejad tới nơi từng là "sân sau của Mỹ” nhằm chuyển đi một thông điệp mạnh mẽ với Mỹ và phương Tây rằng Iran vẫn còn có nhiều đồng minh. Hoạt động này sẽ giúp vô hiệu các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào kinh tế của Iran và nếu có một cuộc chiến tranh vùng Vịnh xảy ra, Iran sẽ không cô độc./.

Ánh Huyến

Phản hồi

Các tin/bài khác