Israel tấn công lực lượng LHQ tại Li-băng: Động thái leo thang nguy hiểm

(VOV5) - Sự kiện lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ tại Li-băng bị tấn công đánh dấu mức độ leo thang nguy hiểm mới của cuộc xung đột đang ngày càng có dấu hiệu lan rộng tại Li-băng.

Cuộc xung đột giữa Israel và lực lượng Hezbollah ở Li-băng đang leo lên nấc thang mới nguy hiểm hơn, khi trong những ngày qua quân đội Israel bị cáo buộc thực hiện một số cuộc tấn công nhằm vào lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc tại Li-băng.

Căng thẳng giữa Israel và LHQ gia tăng khi hôm 11/10, Lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ tại Li-băng (UNIFIL) cho biết quân đội Israel đã thực hiện một số vụ tấn công nhằm vào cơ sở của lực lượng này ở miền Nam Li-băng, phá hủy một tháp canh, nhiều thiết bị liên lạc, chiếu sáng và khiến một số nhân viên UNIFIL bị thương.

Động thái nguy hiểm

Sự kiện UNIFIL bị tấn công đánh dấu mức độ leo thang nguy hiểm mới của cuộc xung đột đang ngày càng có dấu hiệu lan rộng tại Li-băng. Theo thông tin của LHQ, lực lượng gìn giữ hòa bình của tổ chức này tại miền Nam Li-băng đã 20 lần chịu ảnh hưởng bởi các cuộc tấn công kể từ khi Israel thông báo triển khai chiến dịch tấn công giới hạn trên bộ nhằm vào các mục tiêu của lực lượng Hezbollah ở phía Nam Li-băng hồi cuối tháng 09. Trong đó, 5 nhân viên của lực lượng này đã bị thương và cánh cổng một căn cứ của UNIFIL đã bị xe tăng Israel húc đổ, một hành động mà phía LHQ cho rằng có chủ ý. Andrea Tenenti, người phát ngôn UNIFIL, tuyên bố: “Tôi biết phía Israel đang điều tra những gì đã diễn ra nhưng tôi nghĩ điều rõ ràng là một khi đã bắn phá tháp canh bên trong trụ sở UNIFIL, hay các máy quay, thiết bị liên lạc, chiếu sáng tại các vị trí của UNIFIL, hay đưa thiết bị bay không người lái tiến gần đến các công sự của UNIFIL thì đó là điều rất đáng lo ngại, vì chúng tôi coi đó là hành động tấn công có chủ ý nhằm vào lực lượng của chúng tôi”.

Giải thích cho các động thái gây căng thẳng với LHQ, Thủ tướng Israel, Benjamin Netanyahu cho rằng các chỉ trích nhằm vào quân đội nước này là không chính xác bởi quân đội Israel từng nhiều lần yêu cầu UNIFIL rút lui khỏi miền Nam Li-băng, đặc biệt tại các vị trí xung quanh Đường Xanh, biên giới phân chia Li-băng với miền Bắc Israel và cao nguyên Golan, nhằm tránh việc UNIFIL bị biến thành “lá chắn sống” cho lực lượng Hezbollah. Tuy nhiên, giải thích này không được cộng đồng quốc tế ủng hộ. Hầu hết các quốc gia và tổ chức đều ra tuyên bố coi các cuộc tấn công của quân đội Israel vào UNIFIL là “không thể chấp nhận được” và cần phải chấm dứt ngay lập tức.

Trong tuyên bố đưa ra hôm 14/10, toàn bộ 15 quốc gia thành viên Hội đồng bảo an (HĐBA) LHQ, bao gồm cả các quốc gia là đồng minh của Israel, kêu gọi tất cả các bên tôn trọng sự an toàn và an ninh của nhân viên và cơ sở của UNIFIL. Tuyên bố của HĐBA khẳng định lực lượng gìn giữ hòa bình và các cơ sở của của LHQ không bao giờ là mục tiêu của một cuộc tấn công, đồng thời tái khẳng định sự ủng hộ của HĐBA LHQ đối với UNIFIL và tầm quan trọng của lực lượng này đối với sự ổn định trong khu vực. Phó Tổng thư ký LHQ phụ trách lực lượng gìn giữ hòa bình, Jean-Pierre Lacroix, cũng khẳng định UNIFIL sẽ không rút khỏi bất kỳ vị trí nào xung quanh Đường Xanh, bất chấp đòi hỏi từ phía Israel: “Lực lượng gìn giữ hòa bình hiện vẫn duy trì ở tất cả các vị trí. Đây là quyết định mà chúng tôi đưa ra sau khi xem xét tất cả các yếu tố, bao gồm an ninh và an toàn của các nhân viên gìn giữ hòa bình, cũng như trách nhiệm của chúng tôi đối với nhiệm vụ này và đối với dân chúng”

Israel đối mặt làn sóng chỉ trích

Trong số các quốc gia và tổ chức quốc tế phản đối các hành động của quân đội Israel nhằm vào UNIFIL, các nước Liên minh châu Âu (EU) phản ứng quyết liệt nhất. Trong một loạt các tuyên bố chung đưa ra trong những ngày qua, lãnh đạo Pháp, Italia, Đức, Tây Ban Nha… đều chỉ trích gay gắt hành động của quân đội Israel. Đây đều là các quốc gia có binh sĩ tham gia vào UNIFIL và là các bên ủng hộ mạnh mẽ nhất việc thực thi Nghị quyết 1701 của HĐBA LHQ năm 2006 nhằm gìn giữ hòa bình ở biên giới giữa Israel và Li-băng. Do đó, giới quan sát nhận định EU có thể coi việc UNIFIL bị tấn công là một sự khiêu khích về ngoại giao và điều này dẫn đến phản ứng mạnh mẽ hơn từ các nước châu Âu đối với Israel. Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron, hôm 12/10, cảnh báo Pháp sẽ “không dung thứ” nếu hành động tấn công UNIFIL lặp lại, trong khi Thủ tướng Tây Ban Nha, Pedro Sanchez kêu gọi toàn bộ EU công nhận nhà nước Palestine và đình chỉ Hiệp định thương mại tự do với Israel: “Tôi tin rằng Ủy ban châu Âu và chính phủ tất cả các nước châu Âu cần phải trả lời dứt khoát cho yêu cầu chính thức mà hai nước châu Âu là Tây Ban Nhà và Ireland đã đưa ra cách đây 9 tháng và đình chỉ Hiệp định thương mại tự do với chính phủ Israel”.

Về phía Ủy ban châu Âu, trong tuyên bố đưa ra hôm 14/10, Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của EU, ông Josep Borrell cho biết 27 nước thành viên EU thống nhất yêu cầu Israel dừng mọi hành động gây nguy hiểm cho lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ. Tương tự EU, nhiều quốc gia khác cũng yêu cầu quân đội Israel chấm dứt mọi hành động tấn công UNIFIL, dù với bất kỳ lí do gì. Theo Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Recep Tayip Erdogan, các hành động này không chỉ gây nguy hiểm trên thực địa mà còn làm tổn hại danh tiếng của LHQ và HĐBA khi tổ chức đa phương lớn nhất thế giới này không thể đảm bảo an toàn cho chính nhân viên của mình. Do đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nước đồng minh phương Tây của Israel, cần gây áp lực lớn hơn với Israel cả về ngoại giao và quân sự, để chấm dứt đà leo thang hiện nay ở Li-băng.

Tuy nhiên, các lời kêu gọi này có nguy cơ rơi vào bế tắc khi trong tuyên bố mới nhất hôm 15/10, Thủ tướng Israel, Benjamin Netanyahu, khẳng định quân đội nước này sẽ theo đuổi mọi chiến dịch chống lại Hezbollah tại Li-băng, đồng thời tiếp tục cảnh báo UNIFIL tránh xa các khu vực chiến sự, làm dấy lên lo ngại về các sự cố tiếp theo đối với lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác