(VOV5) - Tình trạng bạo lực tiếp tục gia tăng tại các vùng đất Palestine, đặc biệt là khu Bờ Tây, khiến số người Palestine thiệt mạng trong năm 2021 tăng cao gấp 3 lần so với năm 2020.
Không ngoài lo ngại của giới phân tích, tình hình khu vực Trung Đông năm 2021 vẫn diễn biến bất ổn, đối mặt nhiều thách thức. Một số điểm sáng ít ỏi chưa đủ để giúp bức tranh toàn cảnh khu vực trong năm qua trở nên tươi tắn hơn, nhưng vẫn được xem là cơ sở quan trọng để hy vọng vào những tiến triển tích cực trong thời gian tới.
Nhà cửa bị tàn phá sau loạt không kích của Israel xuống thành phố Khan Younis, Dải Gaza, ngày 19/5/2021. Ảnh: THX/TTXVN |
Tại cuộc họp cuối cùng trong năm 2021 về tình hình khu vực Trung Đông ngày 21/12, Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đánh giá: tình hình khu vực vẫn bất ổn. Trong đó, diễn biến tại các vùng đất của người Palestine, một cấu phần quan trọng trong tiến trình hòa bình Trung Đông, vẫn căng thẳng. Nhìn toàn cục, “bất ổn” và “căng thẳng” có thể coi là những từ khóa về khu vực Trung Đông suốt năm qua, bất chấp nhiều nỗ lực của cộng đồng quốc tế.
Còn nhiều điểm nóng
Số liệu của Liên hợp quốc cho thấy, tình trạng bạo lực tiếp tục gia tăng tại các vùng đất Palestine, đặc biệt là khu Bờ Tây, khiến số người Palestine thiệt mạng trong năm 2021 tăng cao gấp 3 lần so với năm 2020. Thực tế này phản ánh cuộc xung đột Palestine-Israel, trọng tâm của tiến trình hòa bình Trung Đông, vẫn rất phức tạp. Hòa bình vẫn chỉ là giấc mơ với cả người dân Palestine và Israel giống như nhiều thập niên qua.
Các đại biểu tham dự vòng đàm phán khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran tại Vienna, Áo ngày 27/12/2021. Ảnh: AFP/TTXVN |
Thế nhưng, không chỉ có tiến trình hòa giải Palestine-Israel rơi vào bế tắc. Hàng loạt điểm nóng khác của Trung Đông như cuộc nội chiến tại Syria, chiến sự tại Yemen, bất ổn tại Iraq hay tiến trình hạt nhân Iran…, cũng tiếp tục giậm chân tại chỗ, chưa đạt được tiến triển khả quan. Trong đó, cuộc nội chiến Syria dù sắp sửa bước sang năm thứ 11, nhưng các bên vẫn chưa đạt được thỏa thuận ngừng bắn cuối cùng. Đặc biệt, trong năm 2021, Israel đã gia tăng các cuộc tấn công vào Syria, khiến cục diện cuộc nội chiến càng trở nên khó dự đoán hơn. Tương tự, chiến sự tại quốc gia nghèo khó Yemen cũng chưa có dấu hiệu sẽ sớm chấm dứt khi giao tranh thường xuyên được ghi nhận giữa quân Chính phủ được các nước A rập hậu thuẫn và phiến quân Hồi giáo Al Houthi. Đáng lo ngại hơn, chiến sự còn có chiều hướng gia tăng trong giai đoạn cuối năm 2021, đầu năm 2022. Đơn cử, ngày 11/1 vừa qua, Liên quan A rập do Saudi Arabia dẫn đầu đã phát động một chiến dịch tổng tấn công quy mô lớn nhằm vào lực lượng Al Houthi trên tất cả các mặt trận.
Trong khi đó, tiến trình đàm phán nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran (còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện JCPOA ký năm 2015 giữa Iran và 6 cường quốc), cũng chưa đạt được kết quả đột phá, dù nhiều vòng đàm phán đã được nối lại tại Vienna (Áo) từ tháng 4/2021. Bất đồng quan điểm cơ bản giữa Mỹ và Iran vẫn là rào cản lớn nhất khiến các bên chưa thể đạt tới thỏa thuận cuối cùng. Còn tại quốc gia láng giềng của Iran là Iraq, bất ổn an ninh tiếp tục là thách thức lớn đối với quá trình tái thiết đất nước khi Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) liên tiếp tiến hành các cuộc tấn công gây thương vong nhằm vào các lực lượng an ninh, mục tiêu nước ngoài và cơ quan nhà nước Iraq. Trong khi đó, chính trường Iraq cũng nhiều lần đối mặt sóng gió, đặc biệt là sau cuộc tổng tuyển cử gây tranh cãi hồi tháng 10.
Nỗ lực và hy vọng
Theo giới phân tích khu vực và quốc tế, việc thiếu tiến triển trong nỗ lực hạ nhiệt các điểm nóng ở Trung Đông năm qua có nhiều nguyên nhân. Trước hết, đây đều là những vấn đề phức tạp, kéo dài và có sự tham gia/can dự của nhiều bên khác nhau. Việc tìm kiếm sự đồng thuận khi sự thù hận bị khoét sâu ngày càng trở nên khó khăn hơn. Tiếp đến, nguồn lực quốc tế dành cho việc giải quyết các vấn đề của khu vực bị suy giảm đáng kể trong bối cảnh toàn thế giới phải dồn lực ứng phó đại dịch Covid-19; đồng thời một số cường quốc thế giới và khu vực có ảnh hưởng lại tập trung nguồn lực cho những toan tính chiến lược khác phục vụ các lợi ích cơ bản và cốt lõi của mình.
Mặc dù vậy, việc xử lý các vấn đề tại khu vực Trung Đông trong năm 2021 vẫn luôn nhận được sự quan tâm cùng nhiều nỗ lực kiên trì của cộng đồng quốc tế. Chẳng hạn, với cuộc xung đột Palestine-Israel, Hội đồng bảo an và các cường quốc đã xúc tiến nhiều cuộc họp, thảo luận và đưa ra một số giải pháp liên quan. Trong đó, tinh thần đối thoại, hòa giải và phi bạo lực luôn được đề cao. Tương tự, với tiến trình đàm phán hạt nhân Iran, cả Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu (EU), các cường quốc và nhiều quốc gia liên quan đều tích cực tham gia, thể hiện qua việc 8 vòng đàm phán liên tiếp đã được tổ chức chỉ trong 8 tháng. Trong bối cảnh đó, Israel và 3 quốc gia A rập là Các tiểu vương quốc A rập thống nhất (UAE), Bahrain và Morocco đã tích cực triển khai và thực thi cam kết trong các thỏa thuận hòa bình đã ký năm 2020, lan tỏa bầu không khí hòa giải trong khu vực.
Bởi vậy, dù chưa thể trở thành gam màu chủ đạo trong bức tranh toàn cảnh Trung Đông năm 2021, song những điểm sáng trên vẫn được coi là những tiền đề, cơ sở quan trọng để cộng đồng quốc tế và các bên liên quan tiếp tục hy vọng và kiên trì nỗ lực vì một tương lai tốt đẹp hơn cho khu vực Trung Đông.