Triển vọng cải thiện quan hệ Mỹ - Trung

(VOV5) - Các biện pháp mới nhằm vào Trung Quốc được tiến hành trong bối cảnh Mỹ cũng đang phối hợp với các đồng minh thực hiện nhiều hành động cứng rắn khác. 

Ngày 23/6, Bộ Thương mại Mỹ thông báo áp đặt biện pháp hạn chế xuất khẩu đối với 5 công ty của Trung Quốc với cáo buộc có vi phạm về lao động. So với các biện pháp mà Mỹ đã tiến hành trước đây, quy mô của biện pháp hạn chế này khá nhỏ. Tuy nhiên, bối cảnh biện pháp được đưa ra mới là điều đáng quan tâm, bởi nó phản ánh thực trạng quan hệ nhiều thách thức hiện nay giữa hai nước. 

Triển vọng cải thiện quan hệ Mỹ - Trung - ảnh 1Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Reuters

5 công ty của Trung Quốc được đưa vào “Danh sách thực thể bị trừng phạt” của Bộ Thương mại Mỹ gồm các công ty lớn về sản xuất silic đơn tinh thể và silic đa tinh thể dùng trong chế tạo các tấm pin Mặt Trời. Tuy nhiên, điều đó không đáng quan tâm bằng thực tế rằng, quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang xấu đi nghiêm trọng, trái ngược hẳn với một số kỳ vọng trước đó rằng quan hệ Mỹ-Trung có thể được cải thiện khi ông Joe Biden trở thành Tổng thống Mỹ (tháng 1 năm nay).

Mỹ cứng rắn với Trung Quốc

Biện pháp hạn chế mới được công bố chưa đầy 3 tuần sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden ký sắc lệnh hành pháp bổ sung 28 công ty Trung Quốc vào “danh sách đen” với cáo buộc liên quan đến công nghệ do thám và quốc phòng, nâng tổng số công ty Trung Quốc mà công dân Mỹ không được đầu tư lên thành 59 thực thể.

Triển vọng cải thiện quan hệ Mỹ - Trung - ảnh 2Những động thái căng thẳng từ hai bên đã có thể được coi là một cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung hay chưa? (Ảnh: AP)

Đáng nói hơn, các biện pháp mới nhằm vào Trung Quốc được tiến hành trong bối cảnh Mỹ cũng đang phối hợp với các đồng minh thực hiện nhiều hành động cứng rắn khác. Trong đó, đáng kể nhất là các quan điểm và hành động được Tổng thống Mỹ Joe Biden thúc đẩy trong chuyến công du đầu tiên đến châu Âu trong tháng 6 này. Theo đó, dưới sự dẫn dắt của Mỹ, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã lần đầu tiên ra tuyên bố chung khẳng định việc gia tăng sức mạnh quân sự của Trung Quốc đang đặt ra “các thách thức mang tính hệ thống” và là mối đe dọa. Trong khi đó, Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nền kinh tế phát triển nhất thế giới (G7) với toàn bộ các thành viên là đồng minh của Mỹ, cũng ra tuyên bố bày tỏ quan điểm về một loạt vấn đề được coi là nhạy cảm và luôn vấp phải sự phản đối quyết liệt của Trung Quốc như vấn đề HongKong, Đài Loan, Tân Cương…của Trung Quốc. Tất nhiên, Trung Quốc đã phản ứng mạnh mẽ đáp lại các bước đi đó. 

Thực tế này cho thấy triển vọng cải thiện quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, nhất là trong ngắn hạn, đang đối mặt với thách thức lớn.

Thách thức cải thiện quan hệ   

Trước khi Mỹ áp đặt các biện pháp gia tăng hạn chế mới đối với các công ty Trung Quốc, một số nhà quan sát vẫn đặt kỳ vọng nhất định về khả năng cải thiện quan hệ Mỹ-Trung, dù chỉ là mức thấp. Cơ sở của kỳ vọng đó là khả năng tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung trực tiếp đầu tiên, khi mà Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được cho là sẽ cùng dự Hội nghị thượng đỉnh G20 (Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi) tại Rome (Italy) vào tháng 10 năm nay. Khả năng tổ chức cuộc gặp càng được củng cố sau khi Cố vấn an ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan hôm 17/6 vừa qua nói rằng, Washington quan tâm tới ý tưởng tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình để định rõ hơn về quan hệ hai nước, tương tự như cuộc đối thoại trực tiếp giữa Tổng thống Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin được tổ chức một ngày trước đó tại Geneva (Thụy Sỹ).     

Tuy nhiên, theo nhiều nhà phân tích, giữa Mỹ và Trung Quốc hiện tồn tại quá nhiều mâu thuẫn và bất đồng, từ tranh chấp thương mại cho đến tranh cãi về chủ đề nhân quyền, tình hình Biển Đông và nhiều vấn đề khác. Trạng thái quan hệ Mỹ - Trung được cho là đang ở mức thấp nhất trong nhiều thập niên, thậm chí được so sánh với tình trạng “Chiến tranh lạnh”. Do đó, việc tổ chức chức hội đàm thượng đỉnh ở thời điểm hiện tại hay trong thời gian ngắn sắp tới, đều khó khả thi. Và ngay cả khi được tổ chức, khả năng đạt kết quả tích cực là rất thấp, tương tự như thực tế đã diễn ra tại cuộc họp giữa các quan chức ngoại giao cấp cao hai nước tại Alaska (Mỹ) hồi tháng 3 vừa qua.

Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia có chung quan điểm rằng, thượng đỉnh Mỹ-Trung vẫn nên được tổ chức vào một thời điểm thích hợp và tất nhiên là cần được chuẩn bị chu đáo. Bởi lẽ, cuộc gặp khi được tổ chức sẽ có tác dụng “hãm phanh” đà lao dốc quan hệ, đồng thời giúp xác lập rõ hơn về quan điểm và lập trường của mỗi bên, bất kể là dưới góc độ và chiều hướng nào.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác