(VOV5) - Một năm - 365 ngày - quãng thời gian đủ để quyết định và hoàn thành những hoài bão, tham vọng. Nhưng với tiến trình hòa bình Trung Đông, năm qua lại là quãng thời gian quá ngắn. Nhiều cơ hội đã đến và bị bỏ lỡ vì những toan tính của các bên. Lực cản ấy đã khiến bánh xe hòa bình Trung Đông lỗi hẹn, không thể cán đích sớm. Nỗ lực của cộng đồng quốc tế đến nay đang "dậm chân tại chỗ" và một giải pháp hòa bình với hai nhà nước cùng tồn tại vẫn đang loay hoay trên chặng đường chông gai. Năm 2012 qua đi đã để lại cho Trung Đông nhiều ngổn ngang, dang dở.
|
Tổng thống Palestine Mahmooud Abbas (phải) và Đặc phái viên hòa bình Trung Đông David Hale (Ảnh: BBC) |
Thực tế, nếu nhìn vào những diễn biến hòa bình Trung Đông, sẽ chẳng có nhiều điều để nói trong suốt một năm qua. Bế tắc vẫn chưa thể khai thông kể từ năm 2008, vẫn là cái vòng luẩn quẩn, bất đồng liên quan đến khu định cư Do Thái. Trong khi người Palestine muốn Israel ngừng xây dựng các khu định cư trên phần lãnh thổ chiếm đóng thì Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu muốn bắt đầu các cuộc đàm phán mà không có các điều kiện tiên quyết. Hy vọng lớn nhất nhen nhóm là chuyến thăm ngắn ngày (cuối tháng 6/2012) tới "chảo lửa" thế giới của Tổng thống Nga V. Putin. Kể từ năm 2005 đến nay mới có chuyến thăm của nhà lãnh đạo cao nhất Nga tới khu vực này. Tiếp xúc với nhà lãnh đạo Israel và Palestine, thành viên quan trọng của nhóm Bộ Tứ đã tìm được "nút thắt" để giải quyết bế tắc cho hòa bình Trung Đông. Moscow sẵn sàng công nhận một nhà nước Palestine độc lập và kêu gọi Israel và Palestine nối lại các cuộc thương thuyết và đó là con đường duy nhất để giải quyết xung đột. Người đứng đầu Điện Kremlin ủng hộ "quan điểm có trách nhiệm" của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas và lưu ý rằng, "các hành động đơn phương trước khi đạt được giải pháp hòa bình cuối cùng đều là phản tác dụng".
Ngay sau chuyến thăm của Tổng thống V. Putin, một loạt hy vọng đã dấy lên rằng giai đoạn yên ả sau bão tố tại Trung Đông đã được nhen nhóm. Việc "xắn tay" gánh vác của Moscow, một trong 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đã truyền tải một thông điệp mạnh mẽ cho các phe phái ở Israel lẫn Palestine. Thế nhưng, cơ hội ấy lại một lần nữa bị bỏ lỡ. Mấu chốt chính là lòng tin giữa các bên chưa được tạo dựng. Cùng với đó là quyết tâm của chính quyền Tel Aviv trong việc xây dựng khu chung cư ở vùng phía Đông Jerusalem, trên phần đất phía Palestine đã nhiều lần nói sẽ chọn làm thủ đô. Quyết định này không chỉ khiến cuộc đàm phán bị gián đoạn, mà còn gây trở ngại cho mối quan hệ giữa Mỹ và Israel. Cuộc chiến 8 ngày tại Dải Gaza (từ 14 đến 22/11) giữa Phong trào Hồi giáo Hamas và Israel khiến 158 người Palestine và 6 người Israel thiệt mạng đã dập tắt mọi hy vọng. Nền hòa bình đã không thể có được khi các bên không chớp lấy đà được tạo dựng. Tuy nhiên, người Palestine đã tràn trề hy vọng khi những ngày cuối tháng 11/2012, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã có quyết định quan trọng, bỏ phiếu thông qua việc trao quy chế nhà nước quan sát viên - phi thành viên cho Palestine, khẳng định vai trò của Palestine trong cộng đồng quốc tế, tăng thêm sức mạnh cho ban lãnh đạo Palestine trong tiến trình tìm kiếm sự ủng hộ một nhà nước của riêng mình.
|
Dải Gaza vừa trải qua những ngày chìm trong khói lửa và đổ nát (Ảnh: Reuters) |
Israel - Palestine là vậy, với tình hình các quốc gia khác trong khu vực nóng bỏng này cũng không có gì khả dĩ hơn trong năm qua. Cơn địa chấn bất ổn lan từ phong trào “Mùa xuân Arab” vẫn đang đe dọa, ảnh hưởng mạnh mẽ đối với chính quyền của Tổng thống Syria Bashar Al-assad. Áp lực của lực lượng chống đối và sức ép bên ngoài ngày càng lớn khiến tình hình tại Syria thêm bất ổn. Phe nổi dậy đang áp dụng kịch bản như tại Libya với mong muốn thu hút sự chú ý và can thiệp của phương Tây. Tuy nhiên, vị trí của Syria trên bàn cờ địa chính trị khu vực và thế giới, mối liên hệ chặt chẽ giữa Syria với thế giới Hồi giáo, sự can thiệp “nửa vời” của Mỹ và phương Tây, đã và đang là những yếu tố khiến cho tiến trình tìm kiếm hòa bình tại Syria bế tắc. Mọi cơ hội cho hòa bình ở Syria dường như đang vơi cạn dần, đẩy quốc gia này lâm vào cuộc nội chiến toàn diện. Theo tính toán của Liên hợp quốc, mỗi ngày có khoảng 3 nghìn người vượt qua biên giới Syria để lánh nạn và ước tính, cuối năm nay sẽ có khoảng 700 nghìn người rời khỏi đất nước chạy sang các nước láng giềng.
Tại Iran, tình hình cũng không mấy sáng sủa. Năm 2012 cũng là một năm mà Iran phải vật lộn chống chọi với những khó khăn kinh tế trong nước cũng như sức ép ngày càng tăng từ bên ngoài. Các cuộc đàm phán về vấn đề hạt nhân gây tranh cãi của Tehran liên tục bị đẩy vào ngõ cụt. Trên thực tế, thế giới vẫn đang bối rối chưa tìm được giải pháp nào cho vấn đề Iran khi mà lập trường của các bên quá khác xa nhau. Lý do khiến các vòng đàm phán luôn dậm chân tại chỗ bởi nó chưa bao giờ tập trung thảo luận vấn đề hạt nhân thuần tuý mà luôn được gắn với những lợi ích về chính trị, kinh tế và an ninh của các bên. Chính vì thế, lời giải cho bài toán hạt nhân của Iran còn là một thử thách lớn đối với thế giới trong năm 2013.
Một năm đi qua, Trung Đông đã và chưa thể đổi thay tích cực. Cùng với những gánh nặng do kinh tế khó khăn, bạo lực và xung đột đẫm máu diễn ra hàng ngày, người dân nơi đây vẫn sống trong trạng thái lo âu và phía trước vẫn là một tương lai bất định. Sự háo hức không thể có trong những ngày đầu năm mới đã tạo cho Trung Đông một gam màu trầm lặng lẽ trong bức tranh chung tổng thể của thế giới./.