Tự do tín ngưỡng, tôn giáo- biểu hiện sinh động về nhân quyền

(VOV5)- Tại kỳ họp thứ 26 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đang diễn ra tại Gieneva, Thụy sỹ, Việt Nam chính thức thông báo với các nước về việc chấp nhận các khuyến nghị tại Khóa họp thông qua Báo cáo Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ 2 của Việt Nam vào tháng 2/2014. Việt Nam cũng đồng thời tiếp tục khẳng định với thế giới những thành tựu về việc bảo đảm quyền con người, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

Có thể khẳng định rằng đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam đang không ngừng được cải thiện, được Nhà nước tôn trọng và bảo đảm bằng Hiến pháp và pháp luật. Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam quy định mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.Trên thực tế, hiện có  tới 95% dân số Việt Nam có đời sống tín ngưỡng. Cả nước có khoảng 25.000 cơ sở thờ tự và 45 trường đào tạo chức sắc tôn giáo. Các hoạt động tôn giáo như hoằng pháp và truyền giáo được tổ chức trong khuôn khổ của pháp luật. Hàng năm có khoảng 8.500 lễ hội tôn giáo hoặc tín ngưỡng bản địa cấp quốc gia hoặc do địa phương được tổ chức.

Tự do tín ngưỡng, tôn giáo- biểu hiện sinh động về nhân quyền - ảnh 1
Sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo diễn ra sôi nổi. Ảnh: Hoàng Long

Tự do tín ngưỡng, tôn giáo dưới góc nhìn của những người công giáo

Tỉnh Đồng Nai, miền Đông Nam Bộ, là địa phương có số giáo dân đông nhất Việt Nam  với hơn 873.000 người, chiếm tỷ lệ hơn 34% dân số. Tại đây có 558 linh mục phục vụ tại 12 giáo hạt, 259 giáo xứ và giáo họ biệt lập. Người công giáo được tự do hành đạo, tự do đóng góp công sức để xây dựng quê hương thông qua các hoạt động bác ái, từ thiện, nhân đạo. Đặc biệt, nhiều tu sỹ, linh mục khẳng định các cấp chính quyền địa phương và cả cộng đồng nơi đây đều tạo điều kiện để người công giáo thực hiện đức tin ở mọi lúc, mọi nơi. Linh mục Trần Ngọc Tuyên, dòng Trợ thế Thánh Gioan Thiên chúa ở thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, cho ví dụ: Bệnh viện Thống Nhất là bệnh viện tư nhân của dòng Joan Thiên chúa được xây dựng năm 1956. Tỷ lệ người công giáo ở khu vực chiếm khoảng 70-80% cho nên bệnh nhân đến đây chữa trị chủ yếu là người công giáo. Đến năm 1979, bệnh viện được trao cho nhà nước nhưng các hoạt động về tôn giáo vẫn duy trì. Chúng tôi hàng ngày đưa mình thánh chúa cho bệnh nhân, đọc kinh,  đi thăm bệnh nhân. Khi bác sĩ thấy bệnh nhân khó qua khỏi thì thậm chí còn nhắc người nhà mời Linh mục đến xức dầu cho bệnh nhân. Và vẫn còn các biểu tượng của công giáo hiện vẫn gắn trong các khoa bệnh trong Bệnh viện Thống Nhất.


Tự do tín ngưỡng, tôn giáo- biểu hiện sinh động về nhân quyền - ảnh 2
Nghi thức làm phép xây dựng Vương cung Thánh đường Đức Mẹ La Vang. Ảnh: Thu Hà

Tự do tín ngưỡng, tôn giáo trong góc nhìn của những người theo đạo Phật

Hòa thượng Thích Gia Quang, Trưởng ban Thông tin Truyền thông, Giáo hội Phật giáo Việt Nam chia sẻ: Chúng tôi, những người tu hành, khẳng định Nhà nước Việt Nam tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho mọi người dân. Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc (VESAK) 2014 do Giáo hội Phật giáo Việt Nam đăng cai tổ chức mới đây là một minh chứng rõ ràng về sự tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam.Thượng tọa Thích Nhật Từ, Phó tổng thư ký phụ trách ngoại vụ của Ủy ban tổ chức Đại lễ VESAK 2014, cũng khẳng định: “Trong nhiều năm qua, chính phủ Việt Nam đã rất nỗ lực để cải thiện và nâng cao đời sống của người dân, bảo đảm quyền con người, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo”. Còn Tiến sỹ Hamid Kumasha, người Ấn độ chuyên nghiên cứu về Phật học, khi tham gia Đại lễ VESAK 2014, cho biết: Vesak được tổ chức tại Ninh Bình là một điều rất hay vì nơi đây là đất Phật. Tôi có hơn 100 học sinh là các Phật tử, sư sãi người Việt Nam, do đó tôi cũng được biết về sinh hoạt văn hóa Phật giáo tại Việt Nam. Người dân Việt Nam khá là sùng đạo Phật. Đó là một điều tốt. Việt Nam là một đất nước cộng sản thế nhưng ở đây các sư sãi, tăng ni  các tổ chức Phật giáo được tự do làm những gì họ muốn.

Tự do tín ngưỡng, tôn giáo- biểu hiện sinh động về nhân quyền - ảnh 3

Thực tế là chưa bao giờ các tôn giáo ở Việt Nam lại phát triển mạnh và hoạt động sôi động như hiện nay. Từ năm 2009 (là năm Việt Nam bảo vệ Báo cáo UPR chu kỳ 1) cho đến nay, Nhà nước đã công nhận thêm 8 tổ chức tôn giáo, nâng số tổ chức tôn giáo ở Việt Nam hiện nay lên con số 38. Trong gần 5 năm qua, Nhà nước Việt Nam đã tạo điều kiện để khôi phục, cấp đất xây dựng mới gần 3 nghìn cơ sở thờ tự. Đối với những nơi tổ chức tôn giáo chưa có cơ sở thờ tự, Nhà nước tạo điều kiện cho các tín đồ sinh hoạt theo nhóm tại các gia đình, điều này thể hiện rõ nét ở các hệ phái đạo Tin Lành.

Thực tế sinh động này là cơ sở để Việt Nam, quốc gia đã trúng cử với số phiếu cao nhất vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2014-2016, tiếp tục nâng cao thành tựu về nhân quyền./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác