Các tôn giáo ở Việt Nam tự do, bình đẳng

(VOV5) - Hạ nghị sỹ Chris Smith của Hoa kỳ mới đây có hành động đi ngược lại xu hướng tốt đẹp của mối quan hệ Việt Nam- Hoa kỳ, khi tổ chức buổi điều trần tại Quốc hội Hoa kỳ và cho rằng Việt Nam đang đi những bước lùi về tự do tôn giáo. Tự do tôn giáo ở Việt Nam từ lâu đã là một thực tế không thể phủ nhận. Đó là điều mà Hạ nghị sỹ Chris Smith cần sáng tỏ.


Các tôn giáo ở Việt Nam tự do, bình đẳng - ảnh 1
Hòa giải và hòa hợp, đoàn kết được các dân tộc, các tôn giáo là chìa khóa để ổn định và phát triển đất nước

Hạ nghị sỹ Chris Smith đã trắng trợn xuyên tạc tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở VN khi cho rằng Nhà nước Việt Nam có sự phân biệt đối xử giữa các tôn giáo, không công nhận quyền tự do thờ cúng của các giáo hội khác nhau. Cần biết rằng ông Christ Smith, với cách nhìn thiếu thực tế, đã nhiều lần vu khống Việt Nam thiếu tự do tôn giáo. Chính vì vậy, trong phát biểu trước Quốc hội Mỹ lần này, ông dẫn câu chuyện xảy ra cách đây nhiều năm tại Cồn Dầu, Đà Nẵng, cái mà ông ta gọi là “vụ đàn áp tôn giáo”, hay trường hợp Linh mục Nguyễn Văn Lý, người thi hành án phạt tù do vi phạm pháp luật Việt Nam, nhưng ông ta lại cho rằng Linh mục Nguyễn Văn Lý “bị cầm tù vì thực thi quyền tự do tín ngưỡng”. Những câu chuyện này cho thấy Hạ nghị sỹ Chris Smith, do nhãn quan hạn hẹp, hay thiếu thiện chí, nên suốt một thời gian dài, chỉ có một cách nhìn phiến diện về tự do tôn giáo ở Việt Nam.

Tự do tôn giáo Việt Nam được quy định rõ trong Hiến pháp và pháp luật

Việt Nam đã nhiều lần công bố trước cộng đồng quốc tế về chính sách tự do tôn giáo, tín ngưỡng của mình vì trong Hiến pháp và các văn bản luật của Việt Nam, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân luôn được ghi nhận. Hiến pháp năm 2013 tiếp tục khẳng định quan điểm nhất quán của Việt Nam trong việc tôn trọng, bảo đảm các quyền con người, quyền công dân, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Hiến pháp ghi rõ: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật.Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”.Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, trong buổi gặp gỡ các đại diện cộng đồng tôn giáo Việt Nam mới đây, cũng nhấn mạnh những điều này: “Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm, tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo của công dân, khẳng định đạo đức tự do tôn giáo có nhiều điều phù hợp với đạo đức truyền thống của dân tộc. Thực tế, đồng bào các tôn giáo nói chung luôn được quan tâm, tạo điều kiện và khuyến khích các việc làm ích nước, lợi nhà, góp phần xây dựng quê hương, đất nước”.

Và được đảm bảo trên thực tế

Thực tế ở Việt Nam, các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật, không một tôn giáo nào hoạt động đúng pháp luật mà bị ngăn cấm. Mọi người dân Việt Nam hoàn toàn tự nguyện, tự do lựa chọn theo hoặc không theo một tín ngưỡng, tôn giáo nào, không bị ép buộc, cấm đoán. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân luôn được Nhà nước Việt Nam tôn trọng và đảm bảo. Ở Việt Nam ngày càng có thêm nhiều tổ chức tôn giáo được công nhận và hoạt động. Số lượng các tín đồ tôn giáo tăng nhanh. Các cơ sở thờ tự liên tục được xây dựng, mở mang, tạo điều kiện cho sinh hoạt tôn giáo. Hoạt động in ấn, phát hành kinh sách được xuất bản tự do theo nhu cầu của các tôn giáo. Công tác giáo dục, đào tạo về tôn giáo được thúc đẩy. Các hoạt động đối ngoại về tôn giáo ngày càng được đẩy mạnh… Có thể nói, đời sống tôn giáo ở Việt Nam chưa bao giờ sôi động như hiện nay. Mọi công dân theo đạo đều nhận thức rõ ràng việc đạo, việc đời, tu thân tích đức và đóng góp xây dựng đất nước giàu mạnh. Ông Nguyễn Văn Thừa, giáo dân ở xã Đa Tốn, Gia Lâm, Hà Nội, cho biết:       “Đạo, hay là vấn đề tâm linh thì ở mỗi người. Nhưng vấn đề dân tộc và vấn đề tôn giáo, hai vấn đề này phải hoà hợp, phải thống nhất bởi vì dân tộc có bình yên thì các đạo mới bình yên, phát triển được. Nhận thức của chúng tôi là như vậy. Quan điểm của Toà Giám mục Việt Nam là kính chúa, yêu nước, tôn giáo phải đồng hành cùng dân tộc, dân tộc tốt đẹp thì tôn giáo mới tốt đẹp. Hai cái này là quan hệ hết sức biện chứng, không thể tách rời nhau được.

Tự do tôn giáo ở Việt Nam đã được quốc tế thừa nhận

Các tổ chức nhân quyền và tôn giáo quốc tế đã nhiều lần đến thăm, làm việc, khảo sát thực tế và thừa nhận việc đảm bảo quyền con người, trong đó có quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam đạt được nhiều tiến bộ. Hạ nghị sỹ Christ Smith, khi tổ chức điều trần trước Quốc hội Hoa kỳ, hẳn cố tình không biết đến thông tin là Đoàn Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ, do Phó chủ tịch Ủy ban Michael Lewis Cromartie dẫn đầu thăm Việt Nam, nhận xét: “Tự do tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam đã được mở rộng và có nhiều tiến bộ, nhiều điểm đáng khích lệ…”. Thượng nghị sĩ Mỹ Jim Webb, trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam mới đây, cũng đánh giá: “Cho dù vẫn còn những quan điểm cá nhân về một vài vụ việc cụ thể liên quan đến tự do tôn giáo tại Việt Nam, nhưng không thể phủ nhận những tiến bộ về tự do tôn giáo tại Việt Nam…”. Đặc biệt, việc Việt Nam trúng cử với số phiếu cao nhất vào Hội đồng Nhân quyền của Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2014-2016) một lần nữa thể hiện sự ghi nhận, đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với chính sách, nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong đảm bảo các quyền con người, trong đó có quyền tự do tôn giáo. Đó là những minh chứng mới nhất, rõ nhất cho thấy các tôn giáo của Việt Nam tự do, bình đẳng và cùng phát triển trong một đất nước hoà bình, hội nhập./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác