(VOV5) - Chiến thắng Điện Biên Phủ đã buộc chính phủ Pháp phải ký kết Hiệp định Geneva (7/1954) công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ ba nước Đông Dương
Ngày 7/5/2021, tròn 67 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2021). Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, chiến thắng Điện Biên Phủ là thắng lợi vẻ vang, là mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử. Lần đầu tiên, một nước thuộc địa nhỏ yếu đã đánh thắng một nước thực dân hùng mạnh. 67 năm đã trôi qua, trên mảnh đất chiến trường xưa, sự sống đã hồi sinh mạnh mẽ. Chiến trường Điện Biên Phủ nay đã trở thành Di tích quốc gia đặc biệt. Tỉnh Điện Biên đặt mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa và du lịch của khu vực Tây Bắc.
Chiều ngày 7/5/1954, bộ đội Việt Nam chính thức giành chiến thắng, vẫy cờ trên nóc hầm Tướng De Castries. (Ảnh tư liệu) |
Chiều 7/5/1954, quân đội nhân dân Việt Nam đã tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ mạnh nhất Đông Dương của thực dân Pháp, bắt sống tướng chỉ huy De Castries, kết thúc thắng lợi trận quyết chiến chiến lược kéo dài suốt 56 ngày đêm. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã buộc chính phủ Pháp phải ký kết Hiệp định Geneva (7/1954) công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ ba nước Đông Dương, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ kéo dài 9 năm (1945 - 1954).
Sự quan tâm lớn của báo chí quốc tế
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ của quân và dân Việt Nam có lẽ là một trong số ít cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc phủ sóng mạnh mẽ trên báo chí quốc tế nhiều năm. Theo trang mạng War History Online, việc tướng Henri Navarre chọn Điện Biên Phủ để xây dựng một tập đoàn cứ điểm chính là “chọn lựa tệ hại”. Địa thế của một thung lũng lòng chảo với rừng núi bao bọc xung quanh khiến “14.000 quân Pháp gần như ngay lập tức bị bao vây và các đường tiếp tế bị cắt đứt”. Tại Điên Biên Phủ, người Pháp đã mắc sai lầm, đó là đánh giá thấp tiềm năng của chiến tranh du kích. “Sự kiêu ngạo và thiếu năng lực của họ trong trận chiến kéo dài từ tháng 3 đến 5-1954 đã dẫn tới thất bại hoàn toàn của Pháp trong chiến tranh Đông Dương, đem lại chiến thắng cho Việt Minh và độc lập cho Việt Nam.
Chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7-5-1954 từng được kênh truyền hình Pháp France 24 nhận định là “một đòn anh dũng” giáng vào chủ nghĩa thực dân kiểu cũ, là “một thời khắc quan trọng trong lịch sử” của Việt Nam và “một cột mốc trong lịch sử phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới”. Tờ The New York Times cho rằng, sự sụp đổ của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ “đặt dấu chấm hết cho sự ảnh hưởng quân sự của Pháp tại châu Á”; trong khi, theo CNN, việc Việt Minh đánh bại Pháp tại Điện Biên Phủ khiến cả xứ lục lăng bàng hoàng cũng như “chấm dứt sự đô hộ của Pháp ở Đông Dương”.
Những phần mộ chưa xác định rõ danh tính luôn là nỗi day dứt của mỗi người khi đến đây. Ảnh: VOV |
Trong bài viết với nhan đề Điện Biên Phủ có nghĩa là sự phá sản của các kế hoạch của thực dân, Báo Sao đỏ (Liên Xô) số ra ngày 8-5-1954, chỉ rõ: " Giải phóng cứ điểm này chứng tỏ lực lượng của Quân đội nhân dân Việt Nam và ý chí không gì lay chuyển nổi của nhân dân Việt Nam kiên quyết bảo vệ nền tự do, độc lập của mình. Bài học Điện Biên Phủ nói lên rằng tất cả mọi âm mưu giải quyết vấn đề Đông Dương bằng cách tiếp tục cuộc chiến tranh thuộc địa đều bị thất bại...".
Một Điện Biên phát triển
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, thị xã Điện Biên Phủ được thành lập ngày 18/4/1992. Hiện nay là thành phố Điện Biên Phủ, có 12 đơn vị hành chính, với tổng diện tích hơn 308 km2, dân số trên 80 nghìn người. Trải qua 67 năm, kể từ ngày chiến thắng, thành phố Điện Biên Phủ, trung tâm của tỉnh Điện Biên, ngày càng phát triển mạnh mẽ. Điện Biên Phủ đã hình thành nhiều lợi thế của thành phố du lịch miền núi. Nổi bật nhất là hệ thống di tích lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ như: Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ - Mường Phăng; các cứ điểm Him Lam, Bản kéo, Độc lập; Các đồi A1, C1, D1, E1 và khu trung tâm tập đoàn cứ điểm của Pháp (Khu hầm Đờ Cát).
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Đảng bộ Thành phố Điện Biên Phủ tập trung chỉ đạo là đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị theo hướng hiện đại. Huy động mọi nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế, khai thác nguồn lực đầu tư để triển khai thực hiện các chương trình, dự án trọng điểm trên địa bàn.
Tính chung toàn tỉnh, năm 2021, tỉnh Điện Biên đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) 6,58%, thu nhập bình quân đạt 36,56 triệu đồng/người/năm. Song song với đó, UBND tỉnh sẽ tháo gỡ nút thắt để thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh Điện Biên, thu hẹp khoảng cách với các tỉnh miền xuôi.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên, cho biết: "Tỉnh Điện Biên xác định đổi mới toàn diện nâng cao năng lực hiệu quả quản lý điều hành, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng đô thị đồng bộ theo hướng hiện đại, trong đó trọng tâm đầu tư xây dựng Cảng hàng không Điện Biên làm tiền đề tạo bước đột phá để phát triển kinh tế xã hội, bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử nhằm phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.
67 năm đã qua, chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn mãi là niềm tự hào, là nguồn cổ vũ đối với dân tộc Việt Nam trên bước đường xây dựng đất nước hôm nay. Đồng thời cũng nhắc nhở các thế hệ người Việt Nam rằng: hòa bình là trọng tâm các giá trị, khởi nguồn cho sự phát triển bền vững.