(VOV5) - UKVFTA là cơ sở vững chắc để duy trì và củng cố quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Vương quốc Anh.
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) vừa được ký kết và áp dụng tạm thời từ ngày 31/12/2020. Hiệp định này đánh dấu bước khởi đầu mới trong quan hệ đối tác chiến lược được hai nước thiết lập 10 năm trước đó, nhất là trong bối cảnh Anh vừa chính thức rời Liên minh Châu Âu (EU).
Hiệp định UKVFTA được đánh giá không những đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo thương mại giữa Việt Nam và Vương quốc Anh không bị gián đoạn tại thời điểm kết thúc giai đoạn chuyển tiếp Brexit (Anh rời EU), mà còn trở thành động lực thúc đẩy quan hệ hai nước một cách toàn diện và sâu rộng hơn.
UKVFTA đồng thời là cơ sở vững chắc để duy trì và củng cố quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Vương quốc Anh, cũng như để hai bên thúc đẩy các khuôn khổ hợp tác khu vực và đa phương khác.
Bước ngoặt trong quan hệ đối tác chiến lược Việt-Anh
Có thể nói UKVFTA là thành quả của những bước phát triển vượt bậc trong quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Vương quốc Anh sau 47 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, cũng như sau 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược. Việc đạt được UKVFTA vào thời điểm này có ý nghĩa hết sức quan trọng và thiết thực đối với cả 2 nước, đặc biệt khi các quốc gia trên thế giới đều mong muốn thúc đẩy hợp tác thương mại-đầu tư để nhanh chóng phục hồi nền kinh tế đang chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Việc hoàn tất đàm phán UKVFTA cũng cho thấy tầm quan trọng của thị trường và vị thế quốc tế của Việt Nam đối với Vương quốc Anh, một trong những nền kinh tế lớn nhất Châu Âu.
Ý nghĩa đầu tiên của UKVFTA là bảo đảm hoạt động thương mại song phương giữa Việt Nam và Vương quốc Anh không gián đoạn khi Anh kết thúc giai đoạn chuyển tiếp Brexit vào ngày 31/12/2020. Sau thời điểm đó, do Anh không còn là thành viên của thị trường chung EU và tham gia Liên minh Hải quan EU, các ưu đãi mang lại từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), vốn có hiệu lực từ ngày 1/8 vừa qua, sẽ không được áp dụng tại thị trường Anh. Ý nghĩa quan trọng thứ hai là UKVFTA sẽ góp phần gia tăng đáng kể hàng hóa hai nước vào thị trường của nhau, tạo thêm sự gắn kết và đan xen về kinh tế giữa hai đối tác chiến lược. UKVFTA sẽ tạo điều kiện cho hoạt động cải cách, mở cửa thị trường, thuận lợi hóa thương mại ở hai quốc gia trên cơ sở kế thừa các kết quả đàm phán tương đối tích cực ở EVFTA.
Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Anh Trần Ngọc An và Đại sứ Vương quốc Anh Gareth Ward ký Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh - Ảnh: TTXVN |
Với tính chất tương hỗ cao của hai nền kinh tế, UKVFTA sẽ giúp kim ngach thương mại song phương tăng trưởng mạnh mẽ thời gian tới theo tinh thần “cùng thắng”. Đại sứ Việt Nam tại Anh Trần Ngọc An cho rằng: "Chưa có FTA song phương thì tăng trưởng thương mại đã tăng khoảng 15-20% rồi, nếu như có FTA song phương thì thương mại sẽ tăng trưởng hơn nữa, phù hợp với lợi ích của cả hai bên. Anh là một nền kinh tế mở trong khi Việt Nam cũng vậy, hướng vào xuất khẩu, bổ sung hỗ trợ cho nhau. Đó là những tiền đề thuận lợi để phát triển hơn nữa quan hệ hai nước".
Cơ hội thương mại song phương rộng mở
UKVFTA cũng được nhận định sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Anh mở rộng hoạt động tại Việt Nam. Bởi dù là nước xuất khẩu lớn thứ năm thế giới trong năm 2019, nhưng hàng hóa của Anh hiện chiếm chưa tới 3% thị phần nhập khẩu của Việt Nam. Những lĩnh vực được hưởng lợi nhiều sẽ là dược phẩm, máy móc, thiết bị, hóa chất, ô tô, ngân hàng, bảo hiểm. Đại sứ Việt Nam tại Anh Trần Ngọc An khẳng định: "Là một nền kinh tế lớn thứ 2 ở Châu Âu, thứ 5 thế giới và với tiềm lực mạnh thì Anh cũng quan tâm nhiều lĩnh vực ở Việt Nam. Nhưng với tư cách là trung tâm tài chính hành đầu thế giới thì lĩnh vực dịch vụ, tài chính, bảo hiểm là những lĩnh vực, tư vấn công nghệ cao… là những lĩnh vực Anh có thế mạnh. Thực tế đã có nhiều doanh nghiệp Anh thành công trong những lĩnh vực này".
Thông qua UKVFTA, Việt Nam sẽ trở thành thị trường cửa ngõ để các doanh nghiệp Anh có thể tiếp cận thị trường khu vực rộng lớn. Đối với Việt Nam, việc loại bỏ thuế quan sẽ đem lại nhiều lợi ích cho các ngành xuất khẩu thế mạnh như điện thoại thông minh và các sản phẩm điện tử, dệt may, giày dép; nông sản như, gạo, cà phê, cao su; thủy sản; đồ gỗ, hàng gốm sứ... Lợi thế do UKVFTA đem lại sẽ tạo cơ hội rất lớn để hàng hóa Việt Nam thâm nhập thị trường Anh.
Có thể nói với UKVFTA, cánh cửa lớn cho hợp tác kinh tế-thương mại giữa Việt Nam và Vương quốc Anh đã rộng mở. Thỏa thuận này cũng góp phần tạo nền tảng vững chắc để thúc đẩy hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước lên tầm cao mới trong tương lai, đáp ứng lợi ích của cả Việt Nam và Vương quốc Anh.