(VOV5) -Vấn đề di cư từ lâu đã âm thầm gây chia rẽ trong nội bộ Liên minh Châu Âu.
Nhằm chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh Liên minh Châu Âu (EU) sẽ diễn ra vào ngày 28-29/6 tới, các quốc gia Châu Âu đang nỗ lực tìm kiếm sự đồng thuận trong nhiều vấn đề, mà một trong những vấn đề nổi cộm là vấn đề di cư. Tuy nhiên, dường như vấn đề người di cư đang nóng trở lại và tiếp tục gây chia rẽ trong EU, nhất là sau vụ Italy và Malta từ chối cho tàu cứu hộ chở hơn 600 người di cư cập cảng.
Vấn đề di cư từ lâu đã âm thầm gây chia rẽ trong nội bộ Liên minh Châu Âu. Đây cũng là một trong những nguyên nhân thúc đẩy việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu, với nhiều hậu quả chính trị và kinh tế sâu sắc.
Đoàn người nhập cư tìm cách lên một con tàu ở Áo. - Ảnh: CNN |
Kể từ khi cuộc khủng hoảng di cư nổ ra, Châu Âu dường như vẫn loay hoay chưa thể đi đến được thống nhất trong việc giải quyết thách thức này. Và trong khi EU vẫn chưa đưa ra được một giải pháp tối ưu nhất cho vấn đề này thì hàng ngày, vẫn có hàng trăm người từ Lybia, Syria… bất chấp nguy hiểm vượt biển Địa Trung Hải vào EU.
Chật vật tìm “khe cửa hẹp” cho vấn đề di cư
Ngày 19/6, Tổng thống Pháp Emanuel Macron và người đồng cấp Angela Merkel gặp nhau tại Berlin nhằm thúc đẩy một nỗ lực chung trong EU nhằm giải quyết vấn đề người nhập cư, vạch ra được một chính sách mà tất cả các nước thành viên đều chấp nhận được.
Tuy nhiên, căng thẳng đã bùng phát khắp Châu Âu sau khi Italy, Malta tuần trước từ chối mở cửa cảng cho tàu Aquarius của Pháp chở những người di cư trái phép được cứu, đồng thời cảnh báo tiếp tục đóng cửa các cảng đối với tàu nước ngoài cứu người di cư trên biển. Động thái này khiến cho khả năng đạt được bất kỳ thỏa thuận nào về vấn đề người di cư trở nên khó khăn hơn.
Những người tị nạn bật khóc bên bờ biển sau khi đặt chân đến châu Âu.- Ảnh: CNN |
Thủ tướng Italy Giuseppe Conte là người có quan điểm chống nhập cư, hoài nghi châu Âu. Tại cuộc gặp với người đồng cấp A.Merkel hôm 18/6, ông Conte tiếp tục tái khẳng định thông điệp mạnh mẽ về việc cải cách các quy định của Hiệp ước Dublin, vốn dồn gánh nặng tị nạn cho các nước mà người di cư nhập cảnh đầu tiên. Quan điểm của chính phủ mới tại Italy về vấn đề này lại một lần nữa tạo ra thách thức cho mô hình "mái nhà chung" châu Âu. Quyết định của Italy vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ phía Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và dẫn tới nguy cơ rạn nứt mối quan hệ vốn khá tốt đẹp giữa hai đồng minh lâu năm này.
Paris mong muốn thuyết phục được Berlin tăng viện trợ tài chính cho lực lượng biên giới Frontex của EU, đẩy nhanh việc thành lập các trung tâm giải quyết vấn đề người tị nạn ở Châu Phi. Song, dường như không gian chính trị để hành động của Thủ tướng Đức A.Merkel cũng đang bị thu hẹp.
Hiện Thủ tướng Merkel và Bộ trưởng Nội vụ Horst Seehofer, đồng thời là lãnh đạo đảng Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU), đang bất đồng về chính sách người di cư, tạo nguy cơ không hề nhỏ cho đại liên minh cầm quyền vốn dễ đổ vỡ tại Đức giữa CDU/CSU và đảng Dân chủ Xã hội (SPD). Trong khi bà Merkel chủ trương tìm kiếm một giải pháp ở cấp độ toàn châu Âu cho những người di cư bất hợp pháp tại Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) dự kiến diễn ra trong các ngày 28-29/6 tới, thì ông Seehofer muốn siết chặt kiểm soát biên giới của Đức và từ chối tiếp nhận những người tị nạn bất hợp pháp.
Đầu tháng này, bà Merkel ủng hộ lời kêu gọi của Tổng thống Pháp E.Macron về việc thành lập một quỹ đầu tư để giúp các nước Châu Âu nghèo hơn trong các lĩnh vực như khoa học, công nghệ và đổi mới. Tuy vậy, hiện vẫn chưa rõ quỹ này có bao nhiêu tiền bởi Đức vẫn chưa chấp nhận con số hàng tỷ euro mà Pháp đưa ra.
Vấn đề người nhập cư vẫn phủ bóng đen EU
Trên thực tế, trong gần ba năm qua kể từ khi cuộc khủng hoảng người di cư bùng phát ở châu Âu hồi năm 2015, EU đã đàm phán để tìm kiếm một chính sách tị nạn chung, song không mang lại kết quả khả quan. Những nỗ lực tháo ngòi khủng hoảng liên quan vấn đề người di cư đều chưa đi đến đích, do vấn đề phân bổ người nhập cư còn gây bất hòa. Vụ Italy và Malta từ chối cho tàu cứu hộ chở hơn 600 người di cư cập cảng của mình vừa qua là một ví dụ. Trong bối cảnh đó, có thể thấy bức tranh đoàn kết của EU chưa có thêm gam màu sáng. Những bất đồng sâu sắc vốn đã chia rẽ các thành viên EU ngay từ những ngày đầu cuộc khủng hoảng di cư nổ ra vào năm 2015 liệu có thể được hóa giải tại Hội nghị thượng đỉnh Liên minh Châu Âu diễn ra cuối tháng này hay không còn trông đợi vào các quốc gia đầu tàu EU như Pháp, Đức và Italy đi đến một thỏa thuận chung cho toàn khối.