(VOV5) - Ngày 10/6, Quốc hội Việt Nam bỏ phiếu thông qua nghị quyết về kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp tới hết năm 2025.
Quyết định này thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, đồng thời nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Thực hiện chủ trương xóa đói, giảm nghèo đồng thời hỗ trợ đối với nông dân, khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp được thực hiện từ năm 2001 đến nay. Theo quy định hiện hành thì chính sách này có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2020.
Chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp sẽ có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2020. - Ảnh: TTXVN |
Nguồn tài chính quan trọng
Chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp được cho là giải pháp có tác động lớn, quan trọng góp phần thực hiện chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong từng thời kỳ. Thống kê cho thấy, tổng số thuế sử dụng đất nông nghiệp miễn, giảm giai đoạn 2003-2010 trung bình khoảng 3.268 tỷ đồng/năm (khoảng 140 triệu USD); giai đoạn từ 2011-2016 trung bình khoảng 6.308 tỷ đồng/năm (272 triệu USD) giai đoạn 2017-2018 và dự kiến đến hết năm 2020 khoảng 7.438 tỷ đồng/năm (320 triệu USD).
Ông Mai Sỹ Diến, đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, khẳng định: "Đây là chính sách khuyến nông mà nguồn kinh phí hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân theo đối tượng quy định là kịp thời, đầy đủ. Người dân thì rất phấn khởi, tin tưởng vào chính sách này. Chính sách đã góp phần nâng cao, cải thiện đời sống của nông dân. Ngoài ra, tôi thấy chính sách này đã khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp nông thôn. Đây là những mô hình phát triển nông nghiệp có hiệu quả."
Doanh nghiệp có vai trò “trụ cột” trong việc thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh của nông sản Việt Nam. Và việc miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp chính là một trong những chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này, góp phần giảm chi phí đầu vào của doanh nghiệp. Để đạt mục tiêu 80.000 đến 100.000 doanh nghiệp đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp đến năm 2030 và tăng tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 3%/năm, việc tiếp tục thực hiện miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với các tổ chức, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp là một trong những giải pháp hỗ trợ hiệu quả. Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ chính sách thuế, bộ tài chính, cho rằng: "Đây coi như là một khoản vốn nhà nước đầu tư vào khu vực nông nghiệp nông thôn, thay vì phải nộp thì Nhà nước miễn. Việc này là nguồn tài chính rất quan trọng để góp phần đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn, góp phần khuyến khích tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiệu quả, an toàn và bền vững, đồng thời khuyến khích nhà đầu tư đầu tư vào nông nghiệp."
Nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường quốc tế
Trong những năm qua, Việt Nam đã và đang thực hiện nhiều Hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương và tới đây là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) với những cam kết sâu rộng. Ngoài ra, với xu hướng bảo hộ mậu dịch của các nước trên thế giới và những thách thức nội tại của ngành nông nghiệp (như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, liên kết giá trị nông sản, biến động giá thị trường...) đòi hỏi nông nghiệp Việt Nam phải được phát triển toàn diện, theo hướng bền vững, sản xuất hàng hóa quy mô lớn có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Vì vậy, để tăng cường cạnh tranh thì việc tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp là một giải pháp cần thiết.
Đáng chú ý, việc miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đảm bảo tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Việc tiếp tục miễn thuế được cho là phù hợp với thông lệ quốc tế trong việc sử dụng chính sách thuế như công cụ tài chính để góp phần khuyến khích phát triển nền sản xuất nông nghiệp.
Với việc Quốc hội Việt Nam bỏ phiếu thông qua nghị quyết về kéo dài thời gian miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, chính sách này sẽ được áp dụng đến hết năm 2025, tương đương với số thuế được miễn khoảng 7.500 tỷ đồng/năm (khoảng 323 triệu USD). Đây là cơ hội để sản xuất nông nghiệp Việt Nam được đầu tư có bài bản, trọng điểm theo hướng hiện đại, có sức cạnh tranh trên trường quốc tế.