Việt Nam chủ động tận dụng cơ hội từ hội nhập kinh tế

(VOV5) - Tham dự tiệc chào mừng Diễn đàn mùa Xuân 2017 do Hội đồng kinh doanh châu Á tổ chức tối 23/2, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định Chính phủ Việt Nam xác định hội nhập kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, chính sách nhất quán của Việt Nam.


Việt Nam đang nỗ lực nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, tích cực chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế dựa vào dựa vào sáng tạo, năng suất, chất lượng và hiệu quả để phát triển.

                                                           
Việt Nam chủ động tận dụng cơ hội từ hội nhập kinh tế - ảnh 1
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chào đón lãnh đạo các tập đoàn công nghiệp, công nghệ thông tin, tài chính đa quốc gia hàng đầu châu Á (ảnh: Dân Trí)


Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế ở nhiều cấp độ như tham gia hiệp định thương mại ưu đãi, hiệp định thương mại tự do, liên minh thuế quan, thị trường chung, hiệp định thương mại tự do thế hệ mới... Hiện nay Việt Nam đã thiết lập nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) với 56 quốc gia và nền kinh tế trến thế giới như WTO, Hiệp định thương mại tự do ASEAN (AFTA),ASEAN-Australia – New Zealand, ASEAN-Ấn Độ, Việt Nam-Nhật Bản, Việt Nam-EU, Việt Nam-Liên minh kinh tế Á-Âu, Việt Nam-Hàn Quốc... Việt Nam cũng hoàn tất đàm phán để ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và đang thúc đẩy để thông qua hiệp định thương mại tự do giữa 10 nước thành viên ASEAN và 6 nước mà ASEAN đã ký hiệp định thương mại tự do (RCEP), Việt Nam - Israel.

Thành quả từ hội nhập kinh tế quốc tế

Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đã mở ra không gian phát triển mới cho nền kinh tế Việt Nam, mở rộng quan hệ hợp tác sâu, rộng với các quốc gia trong khu vực và thế giới. Có thể nói Hội nhập kinh tế quốc tế tác động mạnh đến sự tăng trưởng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực sản xuất, mở rộng thị trường, thúc đẩy tái cấu trúc nền kinh tế, đặc biệt là chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng tích cực, phù hợp với chủ trương công nghiệp hóa theo hướng hiện đại; tăng thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) và mở rộng quan hệ hợp tác phát triển (ODA). Hội nhập kinh tế quốc tế cũng giúp Việt Nam tiếp thu được khoa học - công nghệ mới và kỹ năng quản lý tiên tiến trên nhiều lĩnh vực: công nghiệp, nông nghiệp, kỹ thuật, văn hóa - xã hội… Các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tham gia chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất khu vực, chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng tập trung nhiều hơn vào các mặt hàng chế biến, chế tạo có giá trị và hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao hơn. Đánh giá về sự phát triển kinh tế Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh châu Á, bà Lubna Olayan, khẳng định Hội đồng ấn tượng với những tiến bộ tích cực của Việt Nam trong việc phục hồi vượt bậc, thoát khỏi sự khủng hoảng kinh tế thế giới và đạt mức tăng trưởng cao ổn định. Hội đồng Kinh doanh châu Á cũng đánh giá cao quyết tâm chiến lược của Việt Nam trong nỗ lực thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước bền vững và đồng đều, trở thành một nền kinh tế trẻ, năng động với nguồn nhân lực dồi dào, có trình độ. Trong khi đó, đánh giá về hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, Đại sứ Việt Nam tại CHLB Đức Đoàn Xuân Hưng cho biết: "Nhiều người bạn Đức chia sẻ với tôi rằng họ thấy thực sự Việt Nam là nước đi đầu trong việc mở cửa thị trường. Đây là cơ hội rất lớn để họ tiếp cận thị trường Việt Nam và chúng ta phải đón cơ hội đấy đồng thời kết nối hai bên".

Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam, bà Charlotte Laursen  cho rằng Việt Nam đang từng bước đầy mạnh quá trình hội nhập quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế những năm gần đây. Với những kế hoạch hợp tác đầu tiềm năng, Việt Nam có nhiều lợi ích từ những hiệp định này.

Tận dụng cơ hội phát triển do hội nhập kinh tế mang lại 

Việt Nam chủ động hội nhập để tận dung cơ hội phát triển do hội nhập mang lại đồng thời đẩy mạnh cải cách trong nước, nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế là chủ trương nhất quán và xuyên suốt.   Nhấn mạnh yếu tố con người có tính chất quyết định đối với sự phát triển của quốc gia, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhắc lại quan điểm chọn người tài để thực sự hỗ trợ hiệu quả nhất cho các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tận dụng cơ hội mà hội nhập kinh tế quốc tế mang lại, đầu tháng 2/2017, Chính phủ ban hành Nghị quyết 19 năm 2017, đề cập những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu mà Việt Nam sẽ thực hiện. Về vấn đề này, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết: "Nghị quyết xây dựng theo chuẩn mực quốc tế, với những chỉ số, chỉ tiêu được nêu trong báo cáo về môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB), báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF)…đặt ra cách nhìn phù hợp với yêu cầu, nguyện vọng của cộng đồng doanh nghiệp. Đây không chỉ là hình ảnh, vị thế quốc gia mà còn thế mạnh trong thu hút đầu tư, cạnh tranh của nền kinh tế, trong đàm phán các cam kết thương mại quốc tế".

Việt Nam cũng gắn kết giữa hội nhập kinh tế quốc tế với đẩy mạnh cải cách trong nước, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hôi đất nước; hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách nhằm thực thi có hiệu quả các cam kết hội nhập.


Hội nhập kinh tế quốc tế là một chủ trương nhất quán và là nội dung trọng tâm trong chính sách đối ngoại và hợp tác kinh tế quốc tế của Việt Nam trong quá trình đổi mới đất nước. Việc tận dụng những cơ hội do hội nhập kinh tế quốc tế mang lại đã, đang và sẽ góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nâng cao vị thế, vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế.

Phản hồi

Các tin/bài khác