(VOV5) - Việt Nam đã có những sáng kiến góp phần đề cao vai trò, hợp tác và sự hiện diện của ASEAN tại Hội đồng bảo an Liên hợp quốc.
Việt Nam đã đi qua 6 tháng đầu năm 2020 trên cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, trong đó có 1 tháng làm Chủ tịch HĐBA LHQ. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, tình hình thế giới diễn biến phức tạp, Việt Nam đã nỗ lực thể hiện vai trò một thành viên tích cực, có trách nhiệm và cân bằng trong các vấn đề chung của toàn cầu.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại Phiên họp trực tuyến Cấp cao của HĐBA LHQ về 75 năm sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai. - Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN
|
Trong lần thứ hai đảm nhiệm vị trí ủy viên không thường trực HĐBA LHQ, Việt Nam đã tham gia trên tinh thần độc lập, tự chủ, trách nhiệm và cân bằng, thể hiện rõ lập trường ủng hộ tuân thủ Hiến chương LHQ và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, ủng hộ tìm kiếm giải pháp cho các cuộc xung đột khu vực và quốc tế thông qua đàm phán, thương lượng hòa bình, đồng thời chia sẻ các nỗ lực, kinh nghiệm của Việt Nam trong quá trình tái thiết và phát triển đất nước, hội nhập quốc tế và khu vực.
Những thách thức chưa từng có
Từ đầu năm 2020, đại dịch COVID-19 tác động sâu sắc đến mọi mặt của đời sống quốc tế ở khắp các châu lục. Sau 3 tháng đóng cửa tạm thời trụ sở Liên hợp quốc (LHQ) do ảnh hưởng của dịch, HĐBA nói chung, Việt Nam nói riêng đã thích nghi với tình trạng “bình thường mới” khi vận hành bộ máy thông qua hình thức trực tuyến và áp dụng một số biện pháp tạm thời về cơ chế tham vấn, thương lượng và bỏ phiếu nghị quyết từ xa, trong đó có nhiều vấn đề nổi lên trong quan hệ quốc tế. Ông Vũ Hồng Việt, Vụ trưởng Vụ các tổ chức quốc tế, Bộ Ngoại giao khẳng định: “Trong 6 tháng đầu năm, tình hình khu vực và thế giới có những chuyển biến sâu sắc và khó dự báo. Đầu năm, khi vừa mới bắt đầu vào năm mới đã có vụ Mỹ tấn công Iran và sát hại tướng Soleiman, sau đó là vụ tấn công trả đũa của Iran. Đó có lẽ là điềm báo trước cho một năm nhiều khó khăn đối với hòa bình, an ninh thế giới. Sau đó, thế giới bước vào đại dịch và cho đến nay vẫn còn tiếp diễn với nhiều diễn biến phức tạp. Tất cả những điều này cùng với cạnh tranh các nước lớn đã gây nên những tác động trực tiếp đến hoạt động của HĐBA. Trong bối cảnh tình hình diễn biến phức tạp và nhiều thách thức, cơ bản chúng ta đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, tạo đà cho Việt Nam tham gia tốt hơn trong thời gian tới”.
Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc phát biểu tại một phiên thảo luận. - Ảnh: TTXVN
|
Dấu ấn Việt Nam
Trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an tháng 1/2020, Việt Nam chủ trì, điều hành nhiều công việc định kỳ và đột xuất. Đặc biệt Việt Nam đã có sáng kiến tổ chức hai sự kiện quan trọng thu hút sự quan tâm của Liên hợp quốc, cộng đồng quốc tế và tạo dấu ấn của Việt Nam tại HĐBA. Đó là “Thảo luận mở của HĐBA với chủ đề Thúc đẩy tuân thủ Hiến chương LHQ trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế” và “Phiên họp về hợp tác giữa LHQ và ASEAN”. Đây là lần đầu tiên các chủ đề này được thảo luận tại Hội đồng bảo an.
Ông Vũ Hồng Việt, Vụ trưởng Vụ các tổ chức quốc tế, Bộ Ngoại giao cho biết thêm: “Đây là sự kiện đi vào lịch sử của HĐBA LHQ do số lượng các số nước tham dự đạt con số kỷ lục, đại diện 111 quốc gia tham gia phát biểu. Và cũng lần đầu tiên HĐBA LHQ thông qua được văn kiện Tuyên bố chủ tịch đề cao vai trò của Hiến chương LHQ. Thứ hai là phiên đối thoại giữa ASEAN và Hội đồng bảo an với sự tham dự của Tổng thư ký ASEAN. Nhân dịp này, vấn đề Biển Đông cũng được đề câp trong quá trình thảo luận”.
Sự chủ động của Việt Nam còn thể hiện ở việc cùng 8 nước thành viên không thường trực khác đề nghị HĐBA LHQ họp trực tuyến thảo luận về đại dịch COVID-19 vào đầu tháng 4 và đây là cuộc họp đầu tiên của HĐBA về vấn đề này. Ngoài ra Việt Nam cũng tham gia và có nhiều đóng góp thực chất vào quá trình thương lượng các văn kiện của HĐBA, đáp ứng quan tâm chung và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã có những sáng kiến góp phần đề cao vai trò, hợp tác và sự hiện diện của ASEAN tại HĐBA LHQ. Việt Nam chủ động thúc đẩy phối hợp với Indonesia để lần đầu tiên hai nước ASEAN là ủy viên không thường trực HĐBA có phát biểu chung tại HĐBA. Việt Nam cũng đề xuất tổ chức đối thoại cấp cao ASEAN-LHQ về phát triển bền vững dịp Hội nghị Cấp cao ASEAN - LHQ vào tháng 10/2020.
Với những gì đã làm được trong 6 tháng qua, lãnh đạo LHQ, các nước và dư luận quốc tế có nhiều nhận định, đánh giá tích cực về vai trò, sự tham gia của Việt Nam, thể hiện vai trò một ủy viên không thường trực HĐBA luôn chủ động đóng góp vào mọi lĩnh vực hoạt động của LHQ. Điều này góp phần nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam, tạo tiền đề để Việt Nam tự tin phát huy hiệu quả hơn nữa vai trò của mình, đảm đương và hoàn thành tốt trọng trách ủy viên không thường trực HĐBA trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ, đồng thời khẳng định Việt Nam là một thành viên tích cực, chủ động của LHQ, là đối tác tin cậy và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.