Việt Nam nỗ lực thúc đẩy, bảo vệ quyền tự do tôn giáo

(VOV5) - Báo cáo không thể phủ nhận là Việt Nam đã có những bước tiến bộ vượt bậc trong việc đảm bảo quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng.

Tại phiên họp thứ 28 của Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc mới đây, báo cáo viên đặc biệt về tự do tôn giáo và tín ngưỡng của Liên hiệp quốc đã trình bày Báo cáo về chuyến thăm Việt Nam trong thời gian qua. Tuy còn có những đánh giá thiếu khách quan và mang tính áp đặt nhưng báo cáo không thể phủ nhận là Việt Nam đã có những bước tiến bộ vượt bậc trong việc đảm bảo quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng. Về vấn đề này, biên tập viên Thu Hoa có bài viết nhan đề “ Việt Nam nỗ lực thúc đẩy, bảo vệ quyền tự do tôn giáo”.

Việt Nam nỗ lực thúc đẩy, bảo vệ quyền tự do tôn giáo - ảnh 1
Báo cáo viên đặc biệt của LHQ về tự do tôn giáo và tín ngưỡng Heiner Bielefelt. Ảnh: VGP/Hải Minh
 
Báo cáo viên đặc biệt về tôn giáo và tín ngưỡng của Liên hiệp quốc, ông Heiner Beilefeldt, trong báo cáo tại phiên họp, đánh giá cao sự hợp tác và tạo điều kiện của các cơ quan của Việt Nam trong suốt thời gian chuyến thăm. Báo cáo viên đặc biệt đánh giá cao những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong việc thúc đẩy, bảo vệ quyền tự do tôn giáo trong những năm vừa qua.

Tự do tôn giáo, tín ngưỡng là thực tế rõ ràng

Báo cáo viên đặc biệt về tôn giáo và tín ngưỡng của Liên hiệp quốc nhấn mạnh nhiều chi tiết thực tế về tự do tôn giáo, tín ngưỡng của Việt Nam. Ông Heiner Beilefeldt khẳng định: "Nhiều đại diện các cộng đồng tôn giáo khác nhau thừa nhận rằng hiện nay có nhiều không gian hơn cho việc thực hiện quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam. Ðời sống tôn giáo là một thực tế rõ ràng, bằng chứng là những cơ sở thờ tự thuộc về nhiều tôn giáo hay hệ phái khác nhau và sự tham gia hành đạo của người dân từ nhiều tôn giáo và tín ngưỡng"; "Trong những năm gần đây, rõ ràng đã có những cố gắng để bảo tồn hoặc phục hồi những nghi lễ truyền thống của các nhóm dân tộc hoặc tôn giáo thiểu số"; "thừa nhận sự đa dạng bên trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam"... Đặc biệt, Hiến pháp Việt Nam thông qua ngày 28-11-2013 đã có một chương về "quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân", trong đó "Ðiều 24 của Hiến pháp 2013 liên quan đến tự do tôn giáo và tín ngưỡng là tất cả mọi người, không như Hiến pháp 1992 chỉ giới hạn đối với công dân Việt Nam. Ðiều này cũng được cho là thể hiện một thái độ tích cực hơn đối với tự do tín ngưỡng, tôn giáo". Thêm nữa, "việc thông qua Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo thể hiện một bước tiến trong việc xây dựng cơ sở pháp lý cho các cộng đồng tôn giáo, tín ngưỡng". Báo cáo cũng phản ánh "số lượng các cơ sở đào tạo chức sắc các tôn giáo tăng lên đáng kể trong những thập kỷ vừa qua"; khẳng định "các cộng đồng tôn giáo có thể bổ nhiệm, sắc phong chức sắc tôn giáo theo quy định, giáo luật của họ"; "Liên quan đến việc bãi nhiệm các chức sắc, tăng ni (vốn rất hiếm), các quyết định nhìn chung cũng thuộc về các cộng đồng tôn giáo, theo giáo luật của họ"; và "đại diện của Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ tăng cường làm Phật sự trong trại giam, bao gồm thuyết giảng khai trí đạo đức và xã hội của tù nhân. Các linh mục Công giáo cũng làm phép cho tù nhân theo đạo".

Việt Nam nỗ lực hợp tác quốc tế để thúc đẩy tự do tôn giáo, tín ngưỡng

Tôn giáo Việt Nam rất đa dạng, với sự hiện diện của cả các tôn giáo được truyền từ ngoài vào như Phật giáo, Công giáo, Tin lành, có tôn giáo hình thành trong nước như Cao đài, Phật giáo Hòa Hảo, nhiều tôn giáo có bề dày lịch sử như Phật giáo, Hồi giáo cũng như có tôn giáo mới phát triển tại Việt Nam như Cao Ðài, Baha"i... Đời sống tín ngưỡng, tôn giáo tại Việt Nam phong phú, sinh động với hơn 8.000 lễ hội tín ngưỡng dân gian mỗi năm.
Việt Nam nỗ lực thúc đẩy, bảo vệ quyền tự do tôn giáo - ảnh 2
Người dân đi lễ ở chùa Quán Sứ ngày Mồng Hai Tết Ất Mùi. Ảnh: VOV

Xuất phát từ quan điểm tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu chính đáng của con người nên Nhà nước Việt Nam chủ trương nhất quán là tôn trọng và tạo điều kiện thuận lợi để mọi người dân thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Nhà nước Việt Nam cũng coi trọng chính sách đoàn kết và hòa hợp giữa các tôn giáo, bảo đảm sự bình đẳng, không phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo, tín ngưỡng. Nhà nước Việt Nam khẳng định không có khái niệm về cái gọi là “tù nhân lương tâm”. Các trường hợp truy tố, xét xử và kết án là do vi phạm pháp luật, không phải vì lý do chính kiến hay tôn giáo; được thực hiện theo đúng các quy trình, thủ tục như quy định của pháp luật.

Không chỉ tôn trọng, bảo vệ tất cả các quyền cơ bản của con người, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo các chuẩn mực quốc tế, chính phủ Việt Nam còn xem các chuyến thăm của Báo cáo viên đặc biệt Liên hiệp quốc đến Việt Nam là bước tiếp nối đà hợp tác giữa Việt Nam và các Thủ tục đặc biệt của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc. Đây là cơ hội để Báo cáo viên đặc biệt tìm hiểu thực tiễn tự do và đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của người dân Việt Nam, là dịp để các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức tôn giáo, cơ sở thờ tự... cùng nhận thức và chia sẻ những kinh nghiệm, bài học, cũng như khó khăn, thách thức mà Việt Nam phải đối mặt trong lĩnh vực này. Tạo điều kiện thuận lợi để các Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc trải nghiệm thực tế Việt Nam trong khuôn khổ Cơ chế Thủ tục đặc biệt của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc và đối thoại cởi mở với họ là việc làm hiệu quả, thể hiện thiện chí, sự hợp tác thiết thực của Việt Nam với quốc tế để thúc đẩy quyền con người, trong đó có quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác