Việt Nam quyết tâm khắc phục khó khăn để ổn định phát triển kinh tế

(VOV5)- Chính phủ Việt Nam quyết tâm hoàn thành các mục tiêu được đề ra trong năm 2013 trong bối cảnh dự báo nền kinh tế vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Tinh thần này được các thành viên Chính phủ thể hiện rõ tại Hội nghị trực tuyến của chính phủ với các địa phương để triển khai nhiệm vụ kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2013, diễn ra ngày 25 - 26/12.

Việt Nam quyết tâm khắc phục khó khăn để ổn định phát triển kinh tế - ảnh 1

Hội nghị trực tuyến của chính phủ với các địa phương

Năm 2013, Việt Nam được đặt trong bối cảnh sức ép lạm phát còn rất lớn, kinh tế vĩ mô chưa vững chắc, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với 3 khâu đột phá chiến lược triển khai còn chậm, môi trường đầu tư kinh doanh còn nhiều hạn chế…Để có thể hoàn thành các mục  tiêu kinh tế - xã hội đề ra cho năm 2013, theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trước hết, các bộ, ngành, địa phương phải tập trung quyết liệt chỉ đạo và điều hành nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế phát năm 2013:“Năm 2013 đề nghị các ngành, địa phương tập trung chỉ đạo để lạm phát phải thấp hơn năm 2012, thấp hơn 6,81%. Đây là một thách thức lớn nhưng đề nghị các tỉnh, bộ chức năng kiểm soát giá, lạm phát ngay trong tháng. Thường thì giá cả tăng chủ yếu trong trong các tháng đầu năm, nhất là tháng Tết. Muốn giải quyết phải cung cấp đủ hàng, không để thiếu hàng, sốt giá, nhất là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các thành phố lớn. Thứ hai là tiếp tục bình ổn giá, chúng ta cùng nhau quản lý, kiểm soát lạm phát từ quý 1 này.”.

Việt Nam quyết tâm khắc phục khó khăn để ổn định phát triển kinh tế - ảnh 2
Tỉnh Quảng Ninh tham dự hội nghị trực tuyến Chính phủ

Trong từng lĩnh vực cụ thể, người đứng đầu Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước đảm bảo cung ứng tiền, điều hành lãi suất phù hợp với mức giảm lạm phát; tiếp tục duy trì ổn định tỷ giá…Các địa phương tiếp tục nỗ lực đảm bảo cân đối thu chi ngân sách theo kế hoạch đã thông qua. Các bộ, ngành, địa phương khẩn trương cụ thể hóa chủ trương, Nghị quyết của Chính phủ, nhất là tập trung giải quyết hàng tồn kho, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Để hoàn thành nhiệm vụ này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh:“Giải pháp quan trọng nhất tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản là gắn việc tháo gỡ khó khăn thị trường bất động sản với việc thực hiện chiến lược nhà ở quốc gia. Nếu chúng ta gắn  việc tháo gỡ khó khăn với việc tăng cơ cấu nhà ở xã hội thì một lúc chúng ta giải quyết được rất nhiều việc, vừa hỗ trợ cho doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vừa tạo điều kiện cho người thu nhập thấp ở đô thị. Đây cũng là gói kích cầu cho thị trường bất động sản vì nhà ở xã hội được hưởng nhiều chế độ ưu đãi, miễn tiền sử dụng đất, giảm thuế VAT, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp.”

Việt Nam quyết tâm khắc phục khó khăn để ổn định phát triển kinh tế - ảnh 3
Thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó ưu tiên dự án công nghệ cao

Năm 2013, Chính phủ Việt Nam cũng đẩy mạnh việc tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó ưu tiên dự án công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, không ô nhiễm môi trường và sử dụng ít năng lượng sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Chính phủ cũng sẽ sớm ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích và thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Bộ trưởng Bộ kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết: “Về chính sách ưu đãi cho khu công nghiệp, khu lâm nghiệp công nghệ cao, chúng tôi đề nghị đưa danh mục các khu công nghiệp vào danh sách ưu đãi. Chúng tôi thấy rằng khu công nghiệp rất xứng đáng nhận được ưu tiên này. Đây cũng là giải pháp thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.”.

Việt Nam quyết tâm khắc phục khó khăn để ổn định phát triển kinh tế - ảnh 4

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu kết luận hội nghị. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Về phần mình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho biết để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2013, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ một hệ thống gồm 21 giải pháp về tài chính, tiền tệ. Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đã đề xuất giãn, giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp tập trung vào doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, mở rộng thêm đối với doanh nghiệp bất động sản, doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng.

Với dự báo tình hình kinh tế năm 2013 còn có thể khó khăn hơn, những mục tiêu mà Chính phủ đặt ra là thách thức, đòi hỏi sự quyết tâm thực hiện của các bộ, ngành, địa phương./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác