(VOV5)- Như tin đã đưa, Hội nghị khí hậu Liên hợp quốc (COP-20) vừa kết thúc tại Peru, sau 2 tuần làm việc. Theo kết quả đạt được, 190 nước tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu sẽ phải thông qua các chương trình quốc gia nhằm cắt giảm khí gây hiệu ứng nhà kính, đệ trình lên Liên hợp quốc trước tháng 6/2015. Không chỉ tích cực nỗ lực đóng góp cho COP-20 lần này, Việt Nam cũng đã sớm xây dựng cho mình một chương trình hành động quốc gia, cam kết mạnh mẽ cùng thế giới nỗ lực đạt mục tiêu kiềm chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở 2 độ C.
|
Những năm qua, có nhiều thời gian khô hạn kéo dài làm nông dân miền Trung và Tây Nguyên điêu đứng - Ảnh minh họa: Internet
|
Việt Nam tuy không phải là nước phát thải nhiều, nhưng là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu và hiện tượng nước biển dâng. Ước tính, với tốc độ tăng nhiệt của trái đất hiện nay, đến năm 2050, 40% diện tích của đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị nhấn chìm bởi nước biển dâng và có tới 35% dân số bị tác động. Chính vì vậy, Việt Nam luôn thể hiện ý chí chính trị cao, nỗ lực đàm phán trên tất cả các diễn đàn, ở mọi cấp độ khu vực và toàn cầu trong lĩnh vực chống biến đổi khí hậu.
Sớm xây dựng chương trình hành động quốc gia
Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, tháng 6/2013, đã thông qua Nghị quyết Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và đẩy mạnh công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường. Trước đó, Thủ tướng chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu. Chương trình đã đề ra ba giai đoạn từ nay đến 2050, với 9 nhiệm vụ cụ thể để ứng phó với biến đổi khí hậu. Đây có thể xem là những khung chính sách cao nhất định hướng, lãnh đạo, chỉ đạo công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường của Việt Nam trong thời gian tới.
Cùng với chương trình mục tiêu quốc gia, vấn đề biến đổi khí hậu được phổ biến, tuyên truyền rộng rãi đến từng người dân, các doanh nghiệp và tổ chức xã hội. Đến nay, hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước đã tự nguyện tham gia chương trình trồng cây xanh, tham gia dự án hướng đến môi trường ít carbon, tham gia chiến dịch tiêu dùng sản phẩm xanh. Ông Trương Đức Trí, Giám đốc dự án Hợp tác về biến đổi khí hậu, Phó Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, cho biết: Ngoài sự nỗ lực của chính phủ, các bộ ngành, địa phương tiếp tục vận động tài trợ quốc tế, hỗ trợ Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó là xã hội hóa công tác ứng phó với biến đổi khí hậu. Hệ thống doanh nghiệp, cộng đồng cùng phải vào cuộc để cùng với chính phủ để ứng phó hiệu quả với những tác động của biến đổi khí hậu vào Việt Nam.
Nỗ lực thực hiện các cam kết quốc tế
Không chỉ luôn ưu tiên đẩy mạnh các hoạt động đối phó và thích ứng với biến đổi khí hậu quốc gia, Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên tham gia phê chuẩn Công ước Khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu và Nghị định thư Kyoto của Công ước Khí hậu. Tại các diễn đàn, cơ chế hợp tác khu vực cũng như toàn cầu về vấn đề biến đổi khí hậu, Việt Nam luôn tham gia đầy đủ, tích cực và đóng góp nhiều sáng kiến cụ thể. Đến nay, Việt Nam cam kết đặt mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính từ 8-10% vào năm 2020 so với năm 2010, giảm lượng tiêu hao năng lượng tính trên GDP từ 1-1,5%/năm. Việt Nam cũng đang nghiên cứu đóng góp quốc gia tự nguyện, trong đó xác định rõ các đóng góp cụ thể về giảm khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu và cam kết của Việt Nam trong việc hợp tác với cộng đồng quốc tế nhằm góp phần thúc đẩy tiến trình đàm phán xây dựng thỏa thuận toàn cầu về biến đổi khí hậu vào năm 2015.
Tại Hội nghị khí hậu Liên hợp quốc (COP-20) vừa diễn ra mới đây tại Lima, thủ đô của Peru, Việt Nam là một trong những quốc gia đang phát triển đầu tiên trên thế giới đệ trình Báo cáo cập nhật hai năm một lần về vấn đề chống biến đổi khí hậu cho Ban Thư ký Công ước Liên hợp quốc.
Tại diễn đàn toàn cầu này, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Trưởng đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị COP20, đã nhấn mạnh đến sự cần thiết thế giới phải chung tay hành động: Vấn đề biến đổi khí hậu hiện nay đang trở nên rất phức tạp. Đặc biệt, cường độ, nồng độ khí nhà kính đã tăng rất nhanh so với những thập niên trước và có thể dẫn thế giới đến một thảm họa vào năm 2030 nếu chúng ta không kiểm soát được nồng độ khí CO2 dưới mức 400 phần triệu trong khí quyển. Điều này đòi hỏi phải có nỗ lực lớn hơn để thúc đẩy quá trình đàm phán một cách hiệu quả hơn.
Các nước cần cam kết mạnh mẽ và nỗ lực nhiều hơn trong đàm phán nhằm đạt được một khuôn khổ pháp lý toàn cầu mới có tính ràng buộc về biến đổi khí hậu trong năm 2015, để thế giới có thể đạt được mục tiêu về nồng độ khí thải nhà kính trong khí quyển và nhiệt độ trung bình toàn cầu không tăng quá 2 độ C. Việt Nam luôn nhất quán quan điểm này và với những nỗ lực của mình, Việt Nam đang cùng cộng đồng quốc tế thiết lập khuôn khổ cho các cuộc đàm phán về một hiệp ước cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, thay thế cho Hiệp định thư Kyoto sẽ hết hiệu lực vào năm sau./.