(VOV5) - Góp sức xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN chính là góp phần bảo đảm sự phát triển bền vững và thịnh vượng của Việt Nam, của các quốc gia thành viên,
Ngày mai, 2/8, tại Singapore, khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 51 (AMM-51) và một số hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao liên quan. Một nội dung quan trọng được trao đổi tại AMM 51 là các định hướng và giải pháp cho xây dựng Cộng đồng ASEAN, triển khai các Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng theo tầm nhìn ASEAN 2025. Đoàn Việt Nam do Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh làm trưởng đoàn tham dự Hội nghị sẽ tích cực trao đổi để thúc đẩy các ưu tiên chung của ASEAN, thúc đẩy thực chất quan hệ giữa ASEAN và các đối tác.
Ảnh minh họa
|
Cộng đồng ASEAN chính thức được hình thành vào năm 2015. Đây là thành tựu to lớn của quá trình liên kết và hội nhập ASEAN, là biểu tượng của sự đoàn kết, hòa bình và phát triển. Sau 3 năm đi vào vận hành, Cộng đồng ASEAN đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên cả 3 trụ cột chính trị, an ninh kinh tế và văn hóa xã hội.
Tín hiệu tích cực trong xây dựng Cộng đồng
Về hợp tác chính trị an ninh, với mục tiêu xây dựng cộng đồng dựa trên luật lệ hướng tới người dân và lấy người dân làm trung tâm, các hoạt động trong Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng theo tầm nhìn ASEAN 2025 đã được triển khai đều khắp, tương đối hiệu quả. Qúa trình này cũng tăng tính tự cường của ASEAN, góp phần gìn giữ hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực, tăng cường quan hệ đối ngoại cũng như tăng cường năng lực về thể chế của ASEAN.
Các cơ chế do ASEAN thành lập, dẫn dắt như Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM) mở rộng... được mở rộng cả về quy mô, hình thành nên thói quen đối thoại, hợp tác, hướng tới xây dựng cấu trúc khu vực bền vững, minh bạch và linh hoạt, phát huy được vai trò trung tâm của ASEAN.
Hợp tác kinh tế được triển khai đồng bộ, rộng khắp. Nhiều biện pháp tự do hóa và tạo thuận lợi về thương mại được thực hiện giúp giảm chi phí, nâng chất lượng hợp tác nội khối. Kết quả là ASEAN đã tiếp tục kết nối với các nền kinh tế đối tác thông qua điều chỉnh nâng cấp các FTA đã có và ký các FTA mới, xem xét đàm phán với các đối tác khác. Nắm bắt cơ hội của cách mạng 4.0, ASEAN cũng đã ra tuyên bố cấp cao ASEAN về sáng tạo thúc đẩy hợp tác hỗ trợ khởi nghiệp, tiếp cận nguồn vốn cho doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, phát triển và liên kết các đặc khu kinh tế, các cụm du lịch sinh thái... Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN đã được triển khai trong các lĩnh vực ưu tiên.
Hợp tác văn hóa - xã hội hướng tới nhóm đối tượng xã hội yếu thế như lao động nhập cư, người già, trẻ em khuyết tật được đẩy mạnh. Nhiều nước đã thông qua 1 số hoạt động quan trọng như bảo vệ quyền của người lao động di cư trong ASEAN và nhiều thỏa thuận quan trọng khác về phụ nữ, thanh niên...Đánh giá về nỗ lực xây dựng Cộng đồng ASEAN thời gian qua, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Quốc Dũng cho rằng: "Những thành công nêu trên chứng tỏ hợp tác ASEAN nhiều triển vọng, cho thấy sự gắn kết hội nhập vẫn là ưu tiên chung, hợp lực vươn lên vẫn là công cụ chủ yếu để đạt mục tiêu của ASEAN và ASEAN tiếp tục là đối tác quan trọng, nhất là đối với các nước lớn".
Việt Nam đóng góp tích cực vì mục tiêu chung
Từ khi Cộng đồng ASEAN hình thành cuối năm 2015, Việt Nam đang cùng các thành viên ASEAN tích cực thực hiện nghiêm túc các cam kết và đề xuất sáng kiến trong nhiều lĩnh vực. Đáng chú ý, Việt Nam là một trong hai nước có tỷ lệ thực hiện cao nhất các biện pháp ưu tiên trong Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Việt Nam cũng có nhiều đóng góp quan trọng trong mở rộng quan hệ và đẩy mạnh hợp tác giữa ASEAN với các đối tác. Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng cho biết: "Về chính trị an ninh, Việt Nam đã chủ động phát triển các cơ chế đảm bảo an ninh thông qua xây dựng lòng tin và chuẩn mực ứng xử. Nhiều ý tưởng và sáng kiến của Việt Nam đã được chấp nhận và áp dụng ở diện rộng, trong đó có các sáng kiến về xây dựng lòng tin, cơ chế hợp tác. Hợp tác kinh tế cũng là điểm sáng trong quá trình Việt Nam tham gia xây dựng cộng đồng ASEAN. Việt Nam cùng các nước rà soát triển khai các cam kết về thương mại, hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, tích cực triển khai các biện pháp tạo thuận lợi thương mại,phát triển thương mại điện tử...".
Là một thành viên chủ động, tích cực và có trách nhiệm của ASEAN, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 51 và các hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao liên quan lần này, đoàn Việt Nam sẽ tích cực tham gia trên tất cả các nội dung của Hội nghị, thúc đẩy các ưu tiên chung của khu vực và của Việt Nam như thu hẹp khoảng cách phát triển, đẩy mạnh thương mại nội khối, thu hút đầu tư, xúc tiến du lịch, gia tăng quan hệ với các đối tác trong và ngoài ASEAN.
ASEAN có tầm quan trọng chiến lược đối với Việt Nam, là ưu tiên trong chính sách đối ngoại. Góp sức xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN chính là góp phần bảo đảm sự phát triển bền vững và thịnh vượng của Việt Nam, của các quốc gia thành viên cũng như toàn thể người dân trong khu vực.