Việt Nam và Hội đồng Bảo an: Phát huy tinh thần của chủ nghĩa đa phương

(VOV5) - Với tinh thần là: Đối tác vì Hòa bình Bền vững, hai năm qua, Việt Nam đã không phụ sự kỳ vọng của các nước đối tác, bạn bè và cộng đồng quốc tế.

Việt Nam vừa hoàn thành thành công lần thứ hai vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Từ thành công của lần đầu tiên đảm nhiệm vai trò này cách đây hơn 10 năm, ở nhiệm kỳ vừa qua, Việt Nam đã hoàn toàn tự tin, chủ động, tham gia bàn thảo, tìm giải pháp cho tất cả các vấn đề, thúc đẩy đồng thuận chung, thúc đẩy hợp tác, đối thoại, giảm căng thẳng, đối đầu, tìm giải pháp công bằng, hợp lý cho các vấn đề đe dọa hòa bình, an ninh khu vực và quốc tế.

Với tinh thần là: Đối tác vì Hòa bình Bền vững, hai năm qua, Việt Nam đã không phụ sự kỳ vọng của các nước đối tác, bạn bè và cộng đồng quốc tế.

Những dấu ấn đậm nét

Hai năm qua, tình hình chính trị - an ninh, kinh tế - xã hội quốc tế diễn biến nhanh chóng, phức tạp và khó lường với những thách thức “chưa từng có tiền lệ”, nhất là ảnh hưởng sâu rộng của đại dịch COVID-19, cạnh tranh chiến lược nước lớn ngày càng gay gắt, căng thẳng kéo dài và gia tăng ở nhiều điểm nóng trên thế giới. Trong bối cảnh đó, những đóng góp thực chất, thiết thực của Việt Nam vào công việc chung của Hội đồng Bảo an đã để lại nhiều dấu ấn về bản sắc và nghệ thuật ngoại giao đa phương Việt Nam.

Việt Nam và Hội đồng Bảo an: Phát huy tinh thần của chủ nghĩa đa phương - ảnh 1Đại sứ, Trưởng phái đoàn đại diện ngoại giao Việt Nam tại Liên Hợp Quốc Đặng Đình Quý. Ảnh: baoquocte.vn

Chia sẻ về những đóng góp của Việt Nam, Đại sứ, Trưởng phái đoàn đại diện ngoại giao Việt Nam tại Liên Hợp Quốc Đặng Đình Quý khẳng định hết sức hài lòng về những thành quả đạt được trong nhiệm kỳ 2 năm qua: "Có tới 840 cuộc họp trong hai năm qua từ cấp đại sứ trở lên. Chúng ta đã tham gia đàm phán và thông qua 254 văn kiện trong đó có nhiều nghị quyết. Và riêng trong 2 tháng chúng ta làm chủ tịch, chúng ta thông qua 26 văn kiện trong đó có 2 nghị quyết của Hội đồng Bảo an do Việt Nam đề xuất, 3 tuyên bố chủ tịch. Tất cả các văn kiện, nghị quyết này đều có ý nghĩa kể cả đối với trước mắt cũng như lâu dài trong hoạt động của Hội đồng bảo an. Tôi cho rằng chúng ta đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao phó, có những việc đã hoàn thành vượt mức so với ban đầu đặt ra."

Việt Nam cũng đã thúc đẩy một cách hiệu quả các sáng kiến khác trong khuôn khổ LHQ, như giới thiệu và thúc đẩy Đại hội đồng LHQ thông qua Nghị quyết về Ngày quốc tế phòng chống dịch bệnh; thành lập và đưa vào hoạt động Nhóm bạn bè Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS) với hơn 113 nước tham gia; tái cử thành công vào Ủy ban Luật pháp quốc tế LHQ (ILC) nhiệm kỳ 2021-2026; vận động ứng cử vào các cơ quan LHQ khác như Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025.

Việt Nam cũng có cách tiếp cận tổng thể trong xử lý các thách thức về hòa bình an ninh từ phòng ngừa xung đột, giải quyết xung đột đến xử lý hậu quả xung đột, trong đó nhấn mạnh vấn đề giải quyết hậu quả bom mìn; thúc đẩy các vấn đề nhân đạo...

Việt Nam và Hội đồng Bảo an: Phát huy tinh thần của chủ nghĩa đa phương - ảnh 2Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. Ảnh: dangcongsan.vn

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh: "Chúng ta đã tạo được dấu ấn với cách tiếp cận tổng thể đối với các vấn đề hòa bình và an ninh quốc tế, cũng như tinh thần nhân văn, hướng tới người dân, xuất phát từ chính những kinh nghiệm của Việt Nam đã từng trải qua nhiều năm chiến tranh, xung đột. Điều đó được thể hiện qua những sự kiện và văn kiện chúng ta đề xuất với những chủ đề rất thiết thực, vừa là lợi ích của Việt Nam, đồng thời phù hợp với lợi ích chung của cộng đồng quốc tế."

Tạo niềm tin, tăng động lực

Việc đảm nhiệm thành công vai trò Ủy viên Không thường trực Hội đồng Bảo an lần thứ hai là dấu ấn quan trọng và bước đi cụ thể nhằm tiếp tục triển khai chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa, “chủ động tham gia và phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương” của Việt Nam.

Quá trình tham gia Hội đồng Bảo an cũng đã tạo niềm tin về thế và lực mới của đất nước, vai trò, vị thế quốc tế ngày càng được nâng cao, nỗ lực đóng góp tích cực vào sự nghiệp đổi mới và phát triển của đất nước. Các sự kiện điểm nhấn và sáng kiến do Việt Nam khởi xướng, thúc đẩy vừa hài hòa với lợi ích và quan tâm chung của cộng đồng quốc tế, vừa góp phần lan tỏa thông điệp về một đất nước Việt Nam yêu chuộng hoà bình, năng động, đổi mới và sẵn sàng đóng góp nhiều hơn nữa cho công việc chung đã được cộng đồng quốc tế ủng hộ và đánh giá cao. Như Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres đã từng nhận xét: “Các nước bớt tranh luận hơn trước” khi Việt Nam làm Chủ tịch Hội đồng Bảo an. Còn Đại sứ Trưởng Phái đoàn thường trực Anh tại Liên Hợp Quốc Barbara Woodward nhận định: “Nếu không có Việt Nam, tôi nghĩ Hội đồng Bảo an có thể chệch hướng trong việc giải quyết những vấn đề cấp thiết”. Nhiều nước cũng cho rằng, tiếng nói của Việt Nam tại Hội đồng Bảo an là tiếng nói đại diện cho các nước đang phát triển, Không liên kết.

Hành trình hai năm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021 đã khép lại, nhưng nỗ lực tham gia các hoạt động trong các diễn đàn đa phương của Việt Nam còn tiếp tục và phát huy trong thời gian tới.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác