(VOV1)- Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII đang diễn ra tại Hà Nội là kỳ họp gần cuối của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII. Để góp phần hoàn thành chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, công tác xây dựng luật được coi là nhiệm vụ trọng tâm trong kỳ họp này.
Có thể thấy trong mỗi kỳ họp của Quốc hội khóa XIII, kỳ họp nào số lượng dự án luật, pháp lệnh đưa ra Quốc hội thảo luận hoặc thông qua cũng nhiều. Có kỳ họp Quốc hội thông qua tới 18 dự án luật. Dự kiến, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII. Quốc hội sẽ xem xét thông qua 11 dự án luật, 1 nghị quyết, đồng thời cho ý kiến đối với 15 dự án luật khác.
Luật cụ thể hóa nội dung Hiến pháp mới năm 2013
Hầu hết các dự án luật được lấy ý kiến hoặc dự kiến được thông qua tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII đề thể hiện tinh thần của Hiến pháp năm 2013. Cụ thể như Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân… đều là những luật để thực hiện Hiến pháp mới về một mô hình quản trị quốc gia mà trong đó các cơ quan Nhà nước kiểm soát, hỗ trợ lẫn nhau. Bộ luật dân sự, Bộ luật hình sự (sửa đổi) hay Bộ luật tố tụng dân sự, Bộ luật tố tụng hình sự đều thể chế hóa tinh thần bảo vệ quyền con người có trong quy định của Hiến pháp năm 2013. Luật Trưng cầu ý dân lần đầu tiên được đưa ra lấy ý kiến cũng cho thấy người dân có thể thực hiện trực tiếp quyền lực Nhà nước đúng như trong quy định của Hiến pháp năm 2013. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết: “Cử tri quan tâm đến Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân. Đây là những luật liên quan đến vấn đề hoàn thiện Nhà nước pháp quyền, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Còn đại biểu Quốc hội rất quan tâm đến Bộ luật dân sự, Bộ luật tố tụng dân sự, Bộ luật tố tụng hành chính, Bộ luật tố tụng hình sự. Đây là những luật liên quan đến hoạt động tư pháp quyền dân sự của người dân.”
Xây dựng luật để hoàn thiện hệ thống pháp luật Nhà nước
Để có hệ thống pháp luật đầy đủ, thống nhất và minh bạch, cần có một quy trình xây dựng luật với trình tự, thủ tục chặt chẽ và trách nhiệm. Đây cũng là nền tảng để xây dựng Nhà nước pháp quyền bền vững, của dân, do dân và vì dân. Theo Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, công tác xây dựng luật tại kỳ họp lần này được Quốc hội chú trọng. “Trong quy trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bao giờ cũng xem xét trước các dự án luật. Nếu dự án luật nào được chuẩn bị kỹ, xử lý tốt thì lúc đó mới đem ra trình Quốc hội. Lần này, có nhiều dự án luật được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét tới 2 lần, cho ý kiến để hoàn thiện sau đó lại xem xét lần nữa. Ngoài ra, các Ủy ban của Quốc hội thẩm tra dự án luật rất sâu. Tổ chức hội thảo lấy ý kiến của các chuyên gia, tổ chức tham vấn và tư vấn từ nhiều góc độ. Với quy trình như vậy các dự án luật được chuẩn bị khá tốt, công phu, chu đáo.”
Phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội đất nước
Tất cả những dự án luật được Quốc hội đưa ra lấy ý kiến hoặc dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, đều là những dự án luật quan trọng, tác động mạnh mẽ tới tình hình kinh tế - xã hội của đất nước. Quốc hội ưu tiên rà soát, sửa đổi, bổ sung, xem xét thông qua các dự án luật nhằm phục vụ phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2015 - 2020. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ: “Quốc hội rà soát lại những quy định chưa hợp lý, bất cập, hạn chế của luật hiện hành để bảo đảm luật mới ban hành tốt hơn, đảm bảo tính khả thi và đi vào cuộc sống. Không nên so sánh luật nào quan trọng hơn luật nào. Có thể nói các luật dự kiến được thông qua đều là những luật lớn, quan trọng trong đời sống, kinh tế, xã hội của đất nước. ”
Trong số 11 dự án luật sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này, đáng chú ý có Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi); Luật Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi). Đặc biệt có Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật được coi là đạo luật gốc để ban hành mọi văn bản pháp luật.
Trong nhiệm kỳ khóa XIII, Quốc hội giao Chính phủ trình 138 dự án luật, pháp lệnh, dự thảo Nghị quyết. Với tinh thần khoa học, lắng nghe, tiếp thu, chắt lọc tinh hoa trí tuệ của đồng bào Việt Nam ở trong nước và ở ngoài nước, mỗi kỳ họp Quốc hội đều ban hành mới và sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản, pháp luật, đáp ứng kịp thời sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế./.