(VOV5) - Đối với Việt Nam, việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN nhằm xây dựng xã hội “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Đại hội toàn quốc lần thứ 13 của Đảng cộng sản Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, Việt Nam phấn đấu trở thành nước đang phát triến, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Nghị quyết Đại hội 13 đã xác định: “Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị.”
Đối với Việt Nam, việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN xuất phát từ yêu cầu tất yếu của quá trình cách mạng theo ngọn cờ độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội nhằm xây dựng xã hội “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng cộng sản Việt Nam đã kết hợp nhuần nhuyễn quan điểm của Chủ nghĩa Mác - Lênin với việc kế thừa, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa nhân loại, kinh nghiệm quốc tế về dân chủ, pháp quyền, vận dụng sáng tạo vào điều kiện của Việt Nam.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội thảo những vấn đề lý luận và thực tiễn về nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam ngày 11/12/2021. Nguồn: VOV |
PGS.TS Tào Thị Quyên, Viện Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng; Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận ra quan hệ giữa việc thực hành pháp luật với xây dựng Nhà nước phục vụ nhân dân: “Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước Pháp quyền đã có từ lâu. Ngay từ khi Người ra đi tìm đường cứu nước đã tiếp cận tới tư tưởng rất tiến bộ của nền văn minh nhân loại của thời kỳ cách mạng tư sản ở Châu Âu. Đó là sự kết hợp nhuần nhuyễn và có vận dụng một cách sáng tạo vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, đặc biệt là tư tưởng về Nhà nước thực sự của nhân dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thực sự thuộc về nhân dân”.
Ngay sau khi tuyên bố độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng cộng sản Việt Nam đã rất đúng đắn khi tích cực chuẩn bị và tổ chức thành công cuộc bầu cử Quốc hội khóa I và ban hành Hiến pháp 1946 nhằm bảo đảm Nhà nước Việt Nam được tổ chức và hoạt động theo hướng dân chủ, pháp quyền, hợp hiến, hợp pháp. Cùng với những bước phát triển của cách mạng, của đất nước, yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN dần được đặt ra một cách trực diện cả về lý luận và thực tiễn.
Lần đầu tiên, khái niệm về “Nhà nước pháp quyền XHCN” được nêu ra tại Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá 7 (năm 1991) và tiếp tục được khẳng định tại nhiều văn kiện của Đảng, trong đó có Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011).
Đến Hiến pháp năm 2013, khái niệm về Nhà nước pháp quyền đã được nêu cụ thể: Đó là: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.
Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Hiến pháp năm 2013 cũng quy định những vấn đề căn cốt của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, đặc biệt là quyền con người, quyền công dân.
Tiến sĨ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội khẳng định:“Hiến pháp 2013 ghi nhận tất cả các quyền con người, quyền công dân đạt chuẩn mực thế giới. Ở những nước tiến tiến nhất, người dân có quyền gì thì nhà nước ta có quyền đó. Hiến pháp 2013 mạnh mẽ đến mức quyền con người, quyền công dân chỉ được hạn chế trong 4 trường hợp: quốc phòng, an ninh quốc gia; trật tự, an toàn xã hội; đạo đức xã hội; sức khỏe cộng đồng. Ngoài 4 trường hợp đó không có gì hạn chế quyền con người. Nhưng trong 4 trường hợp đó cũng chỉ hạn chế quyền con người bằng văn bản có hiệu lực của Quốc hội”.
Yêu cầu về đổi mới quản trị quốc gia trong quá trình phát triển và hội nhập quốc tế sâu rộng đòi hỏi phải nhanh chóng xây dựng một Nhà nước kiến tạo phát triển. Do đó, Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng nêu rõ: “Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị...”, trong đó cần “nghiên cứu, ban hành Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến 2045”. Đây cũng là điều mong mỏi của nhân dân được sống trong nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam: "Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nhà nước đó xác định tất cả quyền lực của nhân dân và lấy nhân dân là trung tâm trong mọi hoạt động đời sống xã hội." "Nhân dân là chủ thể, cho nên Nhà nước pháp quyền XHCH phải của dân, do vân và vì dân." "Nhà nước có biện pháp kiểm soát quyền lực, đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí."
Xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong phục vụ nhân dân, tổ chức các hoạt động xã hội. Điều này đã được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án "Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045", nhiều lần khẳng định: “Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là quy luật phát triển tất yếu của nhà nước Việt Nam, cũng là nguyện vọng, sự lựa chọn của nhân dân, phù hợp với xu
Xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam hiện nay là yếu tố cơ bản đảm bảo cho việc giữ vững và thực thi có hiệu quả quyền lực chính trị, là yếu tố cơ bản đảm bảo cho nhân dân có thực quyền tham gia vào quản lý, kiểm soát bộ máy nhà nước, khắc phục sự lạm dụng quyền lực trong bộ máy nhà nước, đồng thời, khơi dậy sức sống và sự sáng tạo của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.