Xuất khẩu lao động năm 2015: tận dụng những cơ hội vàng

(VOV5) - Năm 2015, việc duy trì các thị trường truyền thống, mở rộng những thị trường có thu nhập cao tiếp tục là mục tiêu được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng đến.

Năm 2014 Việt Nam lần đầu tiên đưa hơn 100 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài, đạt hơn 110% kế hoạch. Năm 2015, việc duy trì các thị trường truyền thống, mở rộng những thị trường có thu nhập cao tiếp tục là mục tiêu được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng đến. Song song với đó, Việt Nam cũng chú trọng nâng cao chất lượng lao động xuất khẩu để đáp ứng yêu cầu của thị trường.


 Năm 2014, số lao động Việt Nam tại một số thị trường trọng điểm tăng đáng kể. Đơn cử như: Đài Loan (Trung Quốc) là hơn 60 nghìn người (tăng 15 nghìn so với năm 2013); Nhật Bản gần 20 nghìn người (tăng 10,4 nghìn so với năm 2013); Arab Saudi gần 4 nghìn người, Qatar gần 1 nghìn lao động.


Duy trì các thị trường truyền thống, mở rộng những thị trường có thu nhập cao


Với 62.000 lao động Việt Nam đi làm việc tại Đài Loan (Trung Quốc), vùng lãnh thổ này là thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam sang làm việc nhất trong năm 2014. Đây cũng được coi là trọng điểm của xuất khẩu lao động trong năm 2015 vì những chính sách phát triển kinh tế và thúc đẩy việc làm của Đài Loan (Trung Quốc) kể từ cuối năm 2011 đến nay vẫn được duy trì trong khi xu hướng cung ứng lao động của các nước khác sang thị trường này lại giảm dần. Bên cạnh đó, phải kể đến sự nỗ lực của các doanh nghiệp Việt Nam trong việc đáp ứng nguồn cung cho thị trường lao động Đài Loan (Trung Quốc). Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, ông Tống Hải Nam, cho biết: Năm 2015, thị trường Đài Loan (Trung Quốc) vẫn là thị trường có khả năng tiếp nhận số lượng lớn lao động Việt Nam sang làm việc. Thời gian vừa qua Việt Nam đã làm tốt được công tác tuyển chọn và đào tạo nên  chất lượng lao động được nâng cao và tôi tin rằng trong những năm tới, Đài Loan (Trung Quốc) tiếp tục là thị trường tiếp nhận số lượng lớn lao động Việt Nam.


 Xuất khẩu lao động năm 2015: tận dụng những cơ hội vàng - ảnh 1


 Cùng với thị trường Đài Loan, năm 2015, nhiều cơ hội làm việc và học tập tại Nhật Bản mở ra đối với các thực tập sinh Việt Nam. Các ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao của thị trường Nhật Bản dự kiến là xây dựng, cơ khí chế tạo, nông nghiệp, chế biến thực phẩm. Ngoài thực tập sinh, Nhật Bản còn có nhu cầu tiếp nhận lao động có trình độ cao như kỹ sư thiết kế, kỹ sư cơ khí, điều dưỡng, hộ lý.

Song song với việc duy trì phát triển các thị trường xuất khẩu lao động truyền thống, năm 2015, Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, hướng đến việc mở rộng các thị trường có điều kiện làm việc và thu nhập tốt cho người lao động. Một số thị trường mới với mức thu nhập cao sẽ mở ra cho lao động Việt Nam như châu Phi và Trung Đông, bởi Việt Nam sẽ ký kết thỏa thuận trong một số lĩnh vực với Angola và Arab Saudi. Bên cạnh đó, cùng với sự hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015, số lượng người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài dự báo sẽ gia tăng. Trước mắt, có 8 ngành nghề lao động trong các nước ASEAN được tự do di chuyển thông qua các thỏa thuận công nhận tay nghề tương đương, gồm kế toán, kiến trúc sư, nha sĩ, bác sĩ, kỹ sư, y tá, vận chuyển và nhân viên ngành du lịch. Vì vậy, số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài thuộc đối tượng này dự báo sẽ gia tăng trong năm 2015.


Chú trọng nâng cao chất lượng lao động


Để duy trì được con số xuất khẩu lao động ấn tượng trong năm 2015 cũng như các năm tiếp theo, Việt Nam đặc biệt chú ý đến nâng cao chất lượng lao động xuất khẩu, đặc biệt là lao động chất lượng cao. Theo Phó cục trưởng Cục quản lý lao động ngoài nước Tống Hải Nam, trước đây lao động chất lượng cao chỉ có cơ hội đi làm việc tại Hàn Quốc nhưng với số lượng rất hạn chế.


 Xuất khẩu lao động năm 2015: tận dụng những cơ hội vàng - ảnh 2
Người lao động tìm hiểu thông tin về thị trường làm việc ở nước ngoài.
Ảnh: baotintuc.vn


 Hai năm trở lại đây, lao động trình độ cao của Việt Nam, đặc biệt là lao động trong ngành điều dưỡng, hộ lý, có nhiều cơ hội đi làm việc ở nước ngoài hơn khi Cục Quản lý lao động ngoài nước trực tiếp thực hiện hai chương trình hợp tác với Nhật Bản và Đức trong tuyển chọn, đào tạo và đưa các ứng viên điều dưỡng, hộ lý sang làm việc tại hai quốc gia này. Hiện, Cục Quản lý lao động ngoài nước đang triển khai Dự án Hỗ trợ đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Về lâu dài, để nâng cao chất lượng lao động Việt Nam, Bộ trưởng Bộ lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cho biết: Chúng tôi được Chính phủ đồng ý đổi mới công tác dạy nghề để tiếp cận với công nghệ và nâng cấp trình độ của giáo viên để đào tạo nghề. Năm 2015 chúng tôi được nhận chuyển giao 34 bộ chương trình nước ngoài ở cấp độ ASEAN, đồng thời cũng cử cán bộ đi học ở các nước về phương pháp giảng dạy. Đến nay, chúng tôi đã gửi đi nước ngoài đào tạo được 500 giáo viên và 45 hiệu trưởng các trường có nghề trọng điểm quốc tế.


Ngoài ra, Việt Nam đang hướng tới việc xây dựng thương hiệu cho lao động Việt Nam đi xuất khẩu lao động, giữ được vị thế của lao động Việt Nam trong mắt các nhà tuyển dụng. Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết thêm: Người lao động trước khi đi xuất khẩu sẽ được trang bị kiến thức cơ bản về đất nước, con người nước sở tại cũng như phong tục, tập quán, đặc biệt là kỷ luật lao động. Hiện nay công việc này được giao cho trên 70 doanh nghiệp đảm nhận. Tới đây, chúng tôi sẽ ban hành quy định cụ thể cho các doanh nghiệp nhằm đảm bảo khi lao động Việt Nam ra nước ngoài phải giữ được vị thế, hình ảnh của mình.


Dù ở thị trường truyền thống hay ở các thị trường mới nổi, nếu lao động Việt Nam tận dụng thế mạnh vốn có và được đào tạo theo chuẩn quốc tế thì mục tiêu tăng mạnh xuất khẩu lao động trong năm 2015 cũng như các năm tiếp theo là hoàn toàn có thể, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế đất nước./.


Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác