Sức mạnh tổng hợp làm nên chiến thắng

(VOV5) - Cuối năm 1972, Việt Nam và Mỹ đã đi tới hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, nhưng Mỹ đã bội ước, đưa máy bay chiến lược B52 ném bom Hà Nội, Hải Phòng. Chiến thắng 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không cách đây 40 năm đã buộc chính quyền của Tổng thống Mỹ Nickson phải ngồi vào bàn đàm phán và ký kết Hiệp định Paris (ngày 27/01/1973), và rút quân hoàn toàn khỏi Việt Nam. Phóng viên VOV5 ghi lại những dòng hồi ức của Đại tá Lê Đình Sỹ, nguyên Phó Viện trưởng Viện lịch sử quân sự Việt Nam.    

Sức mạnh tổng hợp làm nên chiến thắng - ảnh 1
Đại tá Lê Đình Sỹ


Bấm để nghe âm thanh:


Trong 12 ngày đêm, không lực Mỹ đã sử dụng 663 lần chiếc B52 và 3.920 lần chiếc máy bay chiến thuật, ném hơn 100 ngàn tấn bom đạn xuống Hà Nội, Hải Phòng và một số mục tiêu trọng yếu khác trên miền Bắc Việt Nam. Riêng Thủ đô Hà Nội, Mỹ đã sử dụng 441 lần chiếc B.52 cùng hàng ngàn lần chiếc máy bay chiến thuật, ném hơn 10 ngàn tấn bom, huỷ diệt nhiều khu phố, làng mạc. Phố Khâm Thiên, một khu vực có mật độ dân số đông nhất Hà Nội, đã bị bom B.52 tàn phá cả chiều dài trên 1 km, khiến gần 2000 ngôi nhà, đền chùa, trường học, trạm xá bị phá sập, 287 người chết, 290 người bị thương, có gia đình cà 6 người đều không qua khỏi. Cùng với Khâm Thiên, máy bay B.52 của Mỹ còn rải bom xuống hơn 100 điểm dân cư trong thành phố như Bệnh viện Bạch Mai, Gia Lâm, Yên Viên, An Dương... khiến hơn 1.000 người thương vong. Đại tá Lê Đình Sỹ, lúc đó công tác tại Viện khoa học quân sự Việt Nam, cho biết: “Lúc đó tôi cũng như quân dân Việt Nam nóng lòng, rất lo cho thủ đô Hà Nội vì nghe nói không lực của Mỹ, nhất là vũ khí B52 rất mạnh. Nhưng thực tế, qua những ngày đầu tiên, từ ngày 18 đến 24, đợt 1 của chiến dịch, thì lại thấy yên tâm. Yên tâm ở chỗ chúng ta không nao núng, chúng ta có đầy đủ vũ khí vật chất và tinh thần để chống lại cuộc tập kích chiến lược đó."

Sức mạnh tổng hợp làm nên chiến thắng - ảnh 2
Hàng ngàn lượt máy bay thay nhau trút bom xuống Hà Nội 

Cuộc tập kích chiến lược B52 của Mỹ vào thủ đô Hà Nội và một số tỉnh miền Bắc Việt Nam mang tên “Linerbacker II” nhằm huỷ diệt, làm tê liệt ý chí của dân tộc Việt Nam, buộc phía Việt Nam phải khuất phục và chấp nhận những điều kiện mà Mỹ đưa ra ở Hội nghị Paris. Tổng thống Mỹ Nickson lúc đó tin chắc rằng con bài chiến lược B52 sẽ “đưa miền Bắc Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá”. Để rồi sau đó, chính Tổng thống Nickson đã viết trong hồi ký của mình: “Nỗi lo của tôi trong những ngày này không phải là lo những làn sóng phản đối, phê phán nghiêm khắc ở trong nước và trên thế giới, mà chính là mức độ tổn thất về máy bay B.52 quá nặng nề”.

Ông Lê Đình Sỹ phân tích: “Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ trên không là thắng lợi của nghệ thuật phát huy sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân của ta. Thắng lợi của sự kết hợp chặt chẽ giữa lực lượng phòng không chủ lực với hệ thống phòng không dân quân tự vệ, lấy lực lượng phòng không chủ lực làm nòng cốt, đồng thời đẩy mạnh hoạt động của các tổ chức, các lực lượng trên địa bàn thành phố Hà Nội cùng chiến đấu chống B52. Qua chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ trên không, có thể thấy được bài học từ trận đánh này rất lớn vì dân tộc Việt Nam đã đoàn kết chiến đấu, toàn dân một lòng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, một đảng đã từng kinh qua nhiều cuộc đấu tranh gian khổ, chúng ta có thể thắng lợi bất cứ thứ vũ khí nào, bất cứ kẻ thù nào.” 

Trong cuộc chiến đấu vì chính nghĩa này, dân tộc Việt Nam không đơn độc. Cả thế giới hướng về Việt Nam, các nước Xã hội chủ nghĩa anh em lúc đó, đứng đầu là Liên Xô và Trung Quốc, đã hỗ trợ Việt Nam về nhiều mặt, cả vật chất và tinh thần, đặc biệt là vũ khí, khí tài chiến tranh. Nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới cùng cất tiếng nói lên án Đế quốc Mỹ và Tổng thống Nickson khi tiến hành ném bom rải thảm, giết hại dân thường, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em Việt Nam.

Giới quân sự, chính khách các nước phương Tây lúc đó dường như không thể lý giải được nguyên nhân thất bại của bộ máy chiến tranh Hoa Kỳ. Nhà nghiên cứu lịch sử quân sự Lê Đình Sỹ đưa ra kiến giải: “Nhiều nhà nghiên cứu quân sự nước ngoài tìm hiểu tại sao Việt Nam lại chiến thắng? Họ biết rằng Mỹ là một nước mạnh về tiềm lực quân sự, đứng số 1 thế giới, còn Việt Nam lúc bấy giờ chỉ là một nước lạc hậu. Tất cả mọi mặt, nếu so sánh thì chúng ta không thể bằng Mỹ, nhưng về sức mạnh tổng hợp thì chúng ta hơn hẳn Mỹ. Điều này làm người nước ngoài không tưởng tượng được. Chúng ta đánh theo cách đánh của Việt Nam, có chiến thuật, chiến lược riêng. Ta tin vào thắng lợi vì chúng ta có chính nghĩa, có cả 1 dân tộc, cả 1 thế hệ sẵn sàng hy sinh xương máu của mình cho đất nước. Do đó chúng ta không ngại gì việc đương đầu với những thứ vũ khí mạnh nhất, những loại máy bay chiến đấu hiện đại nhất thế giới lúc đó.”

Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không đã góp phần minh chứng đường lối chính trị, nghệ thuật quân sự tài tình của Đảng cộng sản Việt Nam: kết hợp 3 thứ quân chủ lực chính quy, địa phương, dân quân du kích tạo nên 3 lưới lửa phòng không, hạ gục uy thế của không lực Hoa Kỳ.  Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không 12 ngày đêm cuối năm 1972 là minh chứng cho sức mạnh tổng hợp của sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại. Nhân dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã nhận được sự giúp đỡ, ủng hộ của chính phủ và nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa anh em; sự đồng tình, ủng hộ mạnh mẽ của phong trào giải phóng dân tộc, của các lực lượng cách mạng, dân chủ hoà bình./.

Phản hồi

Các tin/bài khác