ASEAN ủng hộ lập trường của Việt Nam về Biển Đông

(VOV5) - Bộ trưởng khuyến cáo người dân có kế hoạch lao động nước ngoài nên đi theo con đường hợp pháp.

Tại buổi họp báo chính phủ thường kỳ chiều 05/11, ở Hà Nội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, thông tin về kết quả Hội nghị ASEAN lần thứ 35, tại Bangkok (Thái Lan).

Theo Bộ trưởng đây là một hội nghị rất quan trọng đối với ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng: "Hội nghị đã kết thúc rất thành công, mang lại hiệu quả và uy tín cho ASEAN và Việt Nam. Đây là một thắng lợi ngoại giao, đặc biệt các nước quan tâm ủng hộ lập trường chính nghĩa của Việt Nam về vấn đề Biển Đông. Tại các sự kiện trong Hội nghị, nhất là tại cuộc gặp với phía Trung Quốc, phía Việt Nam đã nêu rất rõ quan điểm của Việt Nam, Việt Nam kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, biển đảo theo luật pháp quốc tế, Việt Nam quyết tâm, kiên trì bảo vệ luật pháp quốc tế trong vấn đề Biển Đông."   

ASEAN ủng hộ lập trường của Việt Nam về Biển Đông - ảnh 1 Họp báo chính phủ ngày 05/11- Ảnh VGP

Cũng liên quan đến vấn đề Biển Đông, trước việc bản đồ hình lưỡi bò của Trung Quốc xuất hiện trong một số sản phẩm nhập khẩu như phim ảnh, đồ dùng học tập và đồ dùng ô tô ở Việt Nam, tại họp báo, lãnh đạo một số bộ ngành cho biết sẽ chỉ đạo quyết liệt các cơ quan liên quan rà soát về mặt nội dung, cấp phép ấn phẩm, có thêm những công cụ hiện đại để kiểm tra…đồng thời khuyến cáo người dân không dùng sản phẩm nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam.

Trong hoạt động thương mại, đề cập việc xử lý tình trạng lẩn tránh xuất xứ hàng hóa, Thứ trưởng Bộ công thương Cao Quốc Hưng cho biết Việt Nam đang rất quyết liệt trong vấn đề này: "Chúng tôi đang tăng cường các vấn đề liên quan về xử lý gian lận xuất xứ và lẩn tránh xuất xứ. Chúng tôi đang triển khai quyết liệt đề án tăng cường biện pháp quản lý chống vi phạm trong việc lẩn tránh xuất xứ và gian lận thương mại. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp trong các vụ việc phòng vệ thương mại và sản phẩm của Việt Nam là đối tượng bị điều tra. Và sẽ làm việc với các nước để nắm bắt các đối tượng trong quy định về phòng vệ thương mại hay là các biện pháp phòng vệ thương mại để kịp thời cảnh báo cho doanh nghiệp."

Liên quan đến lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, Bộ trưởng Bộ lao động, thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định loại hình tội phạm buôn bán người và di cư bất hợp pháp khác với việc tổ chức lao động làm việc ở nước ngoài. Việc tổ chức lao động làm việc ở nước ngoài được thực hiện theo Luật Người Việt Nam đi lao động nước ngoài theo hợp đồng.

Các quốc gia đưa người Việt Nam tới lao động đều có các hiệp định về lao động, hay bản ghi nhớ về lao động với Việt Nam. Cơ quan quản lý nhà nước bảo đảm minh bạch, công khai về địa bàn, mức thu phí, mức lương từng doanh nghiệp, người được doanh nghiệp đưa đi đều được cấp Visa, có chính sách  bảo hộ công dân, có bảo hiểm xã hội…Bộ trưởng khuyến cáo người dân có kế hoạch lao động nước ngoài nên đi theo con đường hợp pháp.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác