(VOV5) - Thủ tướng khẳng định việc gặp gỡ, đối thoại, chia sẻ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh là hoạt động đã đi vào nền nếp, là văn hóa ứng xử của Chính phủ với người dân, doanh nghiệp.
Sáng 13/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản; Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu lâm sản và thủy sản. Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Chính phủ luôn đồng hành và tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp phát triển.
Toàn cảnh hội nghị - Ảnh: VOV |
Tại hội nghị, các hiệp hội, doanh nghiệp đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu sản phẩm; giải quyết các tranh chấp thương mại; quy hoạch, quản lý và phát triển các vùng nguyên liệu, giúp doanh nghiệp chủ động sản xuất; quản lý, chứng nhận truy xuất nguồn gốc sản phẩm; nới hạn mức tín dụng và hỗ trợ lãi suất ngân hàng… Đại diện các bộ, ngành phân tích các khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm gỗ, lâm sản và thủy sản; nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cần phải triển khai cấp bách cũng như lâu dài; đồng thời giải đáp các kiến nghị của các hiệp hội, doanh nghiệp lâm - thủy sản…
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định việc gặp gỡ, đối thoại, chia sẻ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh là hoạt động đã đi vào nền nếp, là văn hóa ứng xử của Chính phủ với người dân, doanh nghiệp, trên nguyên tắc hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân, doanh nghiệp, "lợi ích hài hòa, rủi ro, khó khăn chia sẻ". Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh Chính phủ luôn đồng hành và tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp phát triển.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị - Ảnh: VOV |
Trên cơ sở phân tích tình hình thế giới, trong nước và lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, trong đó có tình hình sản xuất, chế biến và xuất khẩu sản phẩm gỗ và lâm sản, thủy sản, Thủ tướng cho rằng sản xuất, chế biến và xuất khẩu lâm sản, thủy sản tiếp tục đối diện với những cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng thách thức nhiều hơn. Do đó, nhiệm vụ thời gian tới là phải tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là về thị trường, thể chế, vốn tín dụng cho sản xuất, chế biến và xuất khẩu lâm sản, thủy sản, để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, thu nhập cho hàng triệu lao động trong lĩnh vực lâm sản, thủy sản.
Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu phải phát triển sản xuất lâm sản và thủy sản hiệu quả, bền vững, tích hợp đa giá trị theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh, gắn với đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch và phát triển thị trường cả ở trong nước và ngoài nước; bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái. Đồng thời, khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn; chuyển mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường; phát huy lợi thế vùng, miền, địa phương, tổ chức sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị, dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Đặc biệt, cần tiếp tục thực hiện hiệu quả các Thỏa thuận, Hiệp định của Việt Nam với các nước để mở rộng thị trường. Thực hiện đàm phán, tạo điều kiện mở rộng và phát triển thị trường xuất khẩu gỗ và lâm sản; quyết liệt gỡ thẻ vàng IUU của Ủy ban châu (EC) đối với thủy sản khai thác; xử lý nghiêm những hành vi làm tổn hại hình ảnh, thương hiệu gỗ và thủy sản Việt Nam. Công khai, minh bạch các thông tin; kịp thời tuyên truyền, phổ biến, công bố công khai các chính sách, tình hình thị trường xuất khẩu lâm sản và thủy sản. Với cộng đồng doanh nghiệp và các hiệp hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh "Các doanh nghiệp, hiệp hội cần phát huy truyền thống, tinh thần tự lực, tự cường, sáng tạo và vượt khó, có cách làm mới tự cứu mình, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường, thực hiện hiệu quả các mục tiêu đã đề ra"./.