Đảm bảo tốt nhất đời sống của người lao động khi về hưu

(VOV5) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, hôm nay (27/5), Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). 

Các vấn đề được đại biểu quốc hội quan tâm, thảo luận là các phương án quy định như thế nào cho hợp lý nhất để đảm bảo tốt nhất đời sống của người lao động khi về hưu.

Đảm bảo tốt nhất đời sống của người lao động khi về hưu - ảnh 1Ảnh minh họa: congannhandan.com.vn

Về nội dung rút bảo hiểm xã hội một lần, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đang đưa ra 2 phương án. Theo đó, phương án 1: người lao động sau 12 tháng nghỉ việc, có nhu cầu được rút BHXH một lần. Phương án 2: người lao động chỉ được rút BHXH không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất.

Về vấn đề này, Đại biểu Trần Khánh Thu, đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Thái Bình, nêu ý kiến: "Để hướng đến thực hiện đúng nguyên lý của BHXH và đảm bảo an sinh tuổi già cho người lao động, phương án 1 cơ bản bảo đảm kế thừa quy định hiện hành. Về lâu dài, người tham gia mới sẽ không còn được hưởng bảo hiểm xã hội một lần nên góp phần gia tăng số người ở lại hệ thống để được thụ hưởng các chế độ của bảo hiểm xã hội từ chính quá trình tích lũy khi tham gia bảo hiểm xã hội của mình và giảm gánh nặng cho cả xã hội; hướng dần tới nguyên tắc phổ quát của BHXH là khi có việc làm và thu nhập thì sẽ phải tham gia BHXH để tích lũy cho tương lai khi về già."

Về giảm điều kiện số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để người tham gia được hưởng lương hưu từ 25 năm xuống 15 năm quy định tại Điều 68 của dự thảo Luật, Đại biểu Vương Thị Hương, đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Hà Giang, cho rằng: "Chính sách này phù hợp với thực tế khi thị trường lao động của Việt Nam còn ở giai đoạn đầu phát triển, tạo cơ hội cho những người tham gia bảo hiểm xã hội muộn hoặc quá trình tham gia không liên tục có thời gian đóng bảo hiểm xã hội. Đề nghị Ban soạn thảo cần xem xét thiết kế cách tính lương hưu có tính chia sẻ để hỗ trợ cho những người có tiền lương hưu thấp để các đối tượng này có thể đảm bảo cuộc sống."

Các đại biểu cho rằng với quy định này, dù mức lương hưu có thể khiêm tốn hơn nhưng với mức lương hưu hằng tháng ổn định, định kỳ được Nhà nước điều chỉnh và được hưởng bảo hiểm y tế, đời sống của người lao động khi về hưu sẽ được đảm bảo hơn.

Về đề xuất giảm tuổi hưởng trợ cấp hưu trí từ 80 xuống 75, nhiều đại biểu cho rằng đây là một quy định hết sức nhân văn, sẽ có thêm khoảng gần 800 nghìn người cao tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội và bảo hiểm y tế, từ nguồn thu ngân sách nhà nước.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác