(VOV5) - Những ý kiến phát biểu phong phú, toàn diện, sâu sắc đã thể hiện tâm huyết của các đại biểu Quốc hội trước các vấn đề quan trọng của đất nước.
Toàn cảnh phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước và công tác phòng chống dịch Covid-19 chiều 09/11 - Ảnh: quochoi.vn |
Phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước và công tác phòng chống dịch Covid-19 chiều 09/11 đã khép lại 2 ngày thảo luận về nội dung này của kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV. 120 đại biểu thuộc 57 đoàn phát biểu tại hội trường, 5 Bộ trưởng tham gia giải trình, làm rõ một số nội dung đại biểu quan tâm.
Phát biểu tại phiên họp, nhiều đại biểu đánh giá dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, rất đáng quan ngại nhưng nhìn về tương lai, Việt Nam còn nhiều tiềm năng cơ hội để phát triển cao và tăng tốc. Đơn cử, nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định; các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo; thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, châu Âu đang phục hồi mạnh. Việt Nam đã ký nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó 14 FTA đã có hiệu lực. Điều kiện thị trường tiền tệ - ngân hàng hiện nay khả quan hơn giai đoạn trước nhờ lạm phát ổn định ở mức thấp nhất; năng lực tài chính, sức chống chịu của ngành ngân hàng đã tốt hơn. Về phía các địa phương, các nền tảng cơ sở cho tăng trưởng vẫn còn.
Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân, đại biểu Quốc hội đoàn thành phố Hồ Chí Minh, phát biểu: "Mặc dù kinh tế thành phố năm nay dự kiến tăng trưởng âm song các tiền đề vật chất, tinh thần quan trọng nhất của nền kinh tế thành phố vẫn còn nguyên vẹn. Thiết bi, công nghệ, máy móc của 288 nghìn doanh nghiệp vẫn còn nguyên. Lãnh đạo các doanh nghiệp, cán bộ kỹ thuật và hơn 90% lao động vẫn còn đó, các hợp đồng kinh tế, mối quan hệ với các đối tác vẫn còn, ý chí vươn lên mạnh mẽ hơn".
Tại phiên thảo luận, 3 Bộ trưởng: Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình thêm một số nội dung đại biểu quan tâm. Về vấn đề điện năng, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết Bộ đang khẩn trương xây dựng thị trường bán lẻ điện cạnh tranh đồng thời trình Chính phủ, Quốc hội cho sửa 1 điều của Luật điện lực để tư nhân có thể đầu tư phân khúc truyền tải điện; trình Chính phủ tiếp tục triển khai chương trình hỗ trợ cấp điện cho miền núi, nông thôn, hải đảo.
Theo Bộ trưởng Bộ kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng, việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 là phù hợp tình hình thực tiễn, tạo nền tảng quan trọng cho phát triển 2022. Trong tháng 10, kinh tế đã có nhiều chuyển biến tích cực, củng cố được niền tin của người dân, doạnh nghiệp về phát triển phục hồi của nền kinh tế.
Giải trình về chính sách tài khóa, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết: "Chúng tôi đang tham mưu cho Chỉnh phú gói kích cầu bằng hỗ trợ lãi suất mỗi năm khoảng 20 nghìn tỷ, nếu hỗ trợ 4% thì chúng ta sẽ đưa 1 triệu tỷ vào nền kinh tế, nhờ đó sẽ thúc đẩy tạo việc làm, tăng sản lượng, có nguồn thu để giảm được bội chị ngân sách những thời kỳ sau".
Kết luận 2 ngày thảo luận kinh tế - xã hội, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá những ý kiến phát biểu phong phú, toàn diện, sâu sắc đã thể hiện tâm huyết của các đại biểu Quốc hội trước các vấn đề quan trọng của đất nước, các vấn đề được đông đảo cử tri quan tâm. Ý kiến của các đại biểu sẽ được các cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu để hoàn chỉnh các Nghị quyết về ngân sách, kinh tế - xã hội trình Quốc hội thông qua.