Hội nghị cấp cao lần thứ 22 APEC: Nhất trí thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực

(VOV5) - Phát biểu tại phiên họp toàn thể thứ nhất Hội nghị cấp cao APEC, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định Việt Nam đang trở thành một hạt nhân tích cực ở Đông Nam Á và là cầu nối gắn kết các nền kinh tế ASEAN lục địa với ASEAN hải đảo.

Hội nghị cấp cao lần thứ 22 APEC: Nhất trí thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực - ảnh 1

Hôm nay (11/11), tại Trung tâm hội nghị quốc tế Hồ Nhạn Thê, ở Thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc, Hội nghị Cấp cao lần thứ 22 Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) bước sang ngày làm việc thứ hai với các phiên họp toàn thể.

Trong phiên họp toàn thể thứ nhất, lãnh đạo của 21 nền kinh tế thành viên APEC tập trung trao đổi nội dung “Thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực”, một trong ba ưu tiên hợp tác của APEC trong năm 2014. Các nhà lãnh đạo nhất trí tăng cường nỗ lực nhằm tiếp tục duy trì vai trò của APEC là diễn đàn quan trọng hàng đầu trong hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững, duy trì thịnh vượng và thúc đẩy môi trường thương mại và đầu tư mở ở châu Á - Thái Bình Dương. Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình thông báo Trung Quốc đóng góp 10 triệu USD để thực hiện các chương trình dự án của APEC về nâng cao năng lực cho các thành viên đang phát triển.

Tham dự và phát biểu tại phiên họp này, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định Việt Nam đánh giá cao và hoàn toàn ủng hộ việc thông qua các biện pháp đẩy mạnh triển khai Gói cam kết Ba-li, các biện pháp thuận lợi hóa, tự do hóa thương mại và đầu tư. Chủ tịch nước đề nghị để bảo đảm liên kết khu vực hiệu quả, các nước thành viên cần gắn kết chặt chẽ các nỗ lực liên kết với nội hàm phát triển bền vững, thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ và xây dựng Chương trình nghị sự phát triển sau năm 2015 cũng như các nỗ lực ứng phó với các thách thức toàn cầu. Đồng thời, APEC cần tiếp tục đẩy mạnh hợp tác kinh tế - kỹ thuật và hỗ trợ nâng cao năng lực của các thành viên đang phát triển, đặc biệt trong các vấn đề kinh tế, thương mại thế hệ mới. Nêu bật những đóng góp của Việt Nam trong thúc đẩy hợp tác APEC và  liên kết kinh tế khu vực, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định Việt Nam đang trở thành một hạt nhân tích cực ở Đông Nam Á và là cầu nối gắn kết các nền kinh tế ASEAN lục địa với ASEAN hải đảo. Khi hoàn tất đàm phán 15 hiệp định thương mại tự do đến năm 2020, Việt Nam sẽ trở thành một mắt xích quan trọng của mạng lưới liên kết kinh tế rộng lớn, trong đó có 18 thành viên APEC. Đây là những nền tảng căn bản để Việt Nam cùng các thành viên APEC nâng tầm liên kết khu vực, đề cao vị thế của Diễn đàn APEC trong một châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng.

Hội nghị cấp cao lần thứ 22 APEC: Nhất trí thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực - ảnh 2
Lãnh đạo các nước chụp ảnh chung tại Hội nghị

Chiều nay, các nhà lãnh đạo APEC thảo luận về chủ đề “Đẩy mạnh kết nối toàn diện và phát triển hạ tầng cơ sở”, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường kết nối toàn diện đối với tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh kết nối hàng hải và hàng không, hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau, thúc đẩy sự thịnh vượng và tinh thần cộng đồng ở châu Á - Thái Bình Dương. Tại phiên họp này, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị các thành viên cần chú trọng hợp tác ứng phó với các thách thức toàn cầu, hỗ trợ nâng cao năng lực cho các thành viên đang phát triển, đẩy mạnh hợp tác giáo dục và đào tạo, tăng cường hợp tác công tư, phát huy vai trò của các doanh nghiệp.

Ngay sau đó, trong phiên thảo luận toàn thể về chủ đề “Phát triển sáng tạo, cải cách và tăng trưởng kinh tế”, các nhà lãnh đạo APEC khẳng định ủng hộ các nỗ lực thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế và nâng cấp các ngành truyền thống, khai thác những tiềm năng tăng trưởng kinh tế mới. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết Việt Nam đang triển khai mạnh tái cơ cấu nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững; đồng thời khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành cùng các thành viên thúc đẩy phát triển sáng tạo, cải cách và tăng trưởng kinh tế.

Kết thúc các phiên thảo luận, Hội nghị cấp cao lần thứ 22 APEC thông qua 2 Tuyên bố của các nhà Lãnh đạo APEC về “Chương trình nghị sự Bắc Kinh vì một châu Á - Thái Bình Dương gắn kết, sáng tạo và kết nối” và “Định hình tương lai thông qua quan hệ đối tác châu Á - Thái Bình Dương”. Cùng với đó là 4 văn kiện về “Lộ trình Bắc Kinh về đóng góp của APEC đối với việc thực hiện Khu vực thương mại tự do toàn châu Á -Thái Bình Dương - FTAAP”, “Kế hoạch chiến lược của APEC về thúc đẩy hợp tác và phát triển các chuỗi giá trị toàn cầu”, “Thỏa thuận APEC về phát triển sáng tạo, cải cách kinh tế và tăng trưởng” và “Kế hoạch tổng thể kết nối APEC 2015 - 2025”.

Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 22 kết thúc tốt đẹp với phiên bế mạc chiều nay (11/11), chuyển thông điệp mạnh mẽ về quyết tâm và nỗ lực của các nền kinh tế thành viên vì một châu Á - Thái Bình Dương gắn kết, sáng tạo và kết nối, góp phần nâng cao vị thế của APEC và duy trì vai trò của khu vực châu Á - Thái Bình Dương là động lực của tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 23 sẽ được tổ chức tại Phi-líp-pin vào năm 2015.

Chiều tối nay, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang rời thủ đô Bắc Kinh lên đường về nước kết thúc chuyến tham dự Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 22./. 

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác