Khai mạc Diễn đàn Đối thoại Biển lần thứ 12

(VOV5) - Việt Nam cam kết mạnh mẽ về an toàn hàng hải, tự do hàng hải và hàng không, kết nối hàng hải không bị cản trở theo luật pháp quốc tế.

Hôm nay (15/03), tại Thành phố Hồ Chí Minh, Học viện Ngoại giao phối hợp cùng Quỹ Konrad Adenauer Stiftung (KAS - Đức) tổ chức Diễn đàn Đối thoại Biển lần thứ 12 với chủ đề “Thúc đẩy kết nối trên biển-Tăng cường gắn kết toàn cầu”. 

Khai mạc Diễn đàn Đối thoại Biển lần thứ 12  - ảnh 1Ông Nguyễn Minh Vũ (giữa), Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam, phát biểu khai mạc Diễn đàn. Ảnh: TTXVN

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Nguyễn Minh Vũ, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam, nhấn mạnh với tư cách là quốc gia thương mại, Việt Nam cam kết mạnh mẽ về an toàn hàng hải, tự do hàng hải và hàng không, kết nối hàng hải không bị cản trở theo luật pháp quốc tế. Kim ngạch thương mại của Việt Nam chiếm tỷ trọng quan trọng trong tổng sản phẩm quốc nội và bất kỳ sự gián đoạn nào đối với thương mại đường biển sẽ có tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế của Việt Nam. 

Đồng thời, Việt Nam xem việc đảm bảo an toàn, an ninh, tự do hàng hải theo luật pháp quốc tế là điều cần thiết, một giá trị quan trọng. Việt Nam cam kết duy trì trật tự dựa trên luật lệ và tin rằng việc tôn trọng Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS 1982) là nền tảng để bảo đảm hòa bình, ổn định, trật tự trên biển và là phương thức giải quyết các tranh chấp trên biển phù hợp nhất.

Khai mạc Diễn đàn Đối thoại Biển lần thứ 12  - ảnh 2Các đại biểu quốc tế phát biểu tham luận. Ảnh: TTXVN

Theo ông Nguyễn Minh Vũ, Diễn đàn Cần nhìn nhận tất cả khía cạnh của kết nối hàng hải, vạch ra các thách thức và rào cản, đồng thời cùng nhau đưa ra các ý tưởng đổi mới, đề xuất khả thi để giữ cho biển, đại dương luôn rộng mở, ổn định và bền vững trên nhiều phương diện: Vật lý, thủ tục, kỹ thuật số hoặc văn hóa.

Diễn đàn Đối thoại Biển lần thứ 12 gồm 4 phiên, với các chủ đề: “Kết nối các tuyến đường biển trọng yếu để đảm bảo chuỗi cung ứng toàn cầu”, “Cảng biển thông minh bền vững: xu hướng không thể đảo ngược trong nền kinh tế biển xanh”, “ Kết nối hạ tầng trên biển trong kỷ nguyên số” và “Kết nối mạng lưới hành lang xanh trên không gian biển”.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác