Không chỉ là cái tên

(VOV5) - Khi đặt tên Việt cho con cháu mình, những người ông, người bà, người cha, người mẹ Venezuela đã và đang truyền cho thế hệ sau tình yêu với đất nước và con người Việt Nam.

Có những cái tên Việt Nam đã thành huyền thoại. Trên thế giới, chúng ta có thể bắt gặp đâu đó nhiều con đường, đại lộ, công trình mang tên Hồ Chí Minh, trường học mang tên Võ Thị Sáu hay thậm chí cả một ngôi làng mang tên Bến Tre. Nhưng có lẽ không đâu các ông bố, bà mẹ lại lấy tên Việt Nam đặt cho con cái nhiều như ở Venezuela.

Không chỉ là cái tên - ảnh 1Daniel Ho Chi Minh Romero Ramírez (giữa) tự hào mang cái tên Việt Nam mà cha mình đặt cho.  Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Daniel Ho Chi Minh Romero Ramirez tròn 20 tuổi vào hôm 20/12 vừa qua. Cậu có cha và mẹ đều là người Venezuela. Lúc mới sinh, cậu phải chiến đấu 23 ngày trong lồng ấp tại Bệnh viện Nhi đồng San Bernardino, Venezuela. Khi đó cậu được gọi là “Rebelde” (Nhóc nổi loạn), vì đã kiên cường chiến đấu và cuối cùng chiến thắng cơn bệnh nguy kịch.

Cậu bé Rebelde sau này đã mang cái tên khai sinh chính thức là Daniel Ho Chi Minh Romero Ramirez. Cha anh, một nhà cách mạng Bolivar, đã ghép tên của mình, Daniel, với tên của lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam, Hồ Chí Minh. Với ông, không ai dũng cảm và có tinh thần chiến đấu kiên cường bằng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người đã dâng hiến trọn vẹn cả cuộc đời và sự nghiệp của mình cho dân tộc Việt Nam.

Daniel Ho Chi Minh hiện đang làm ở bộ phận kỹ thuật của Đài phát thanh Oyeven FM 106.9 (Caracas) nhưng đánh bóng chày mới là đam mê lớn nhất của anh. Khi còn chơi ở câu lạc bộ bóng chày địa phương, Ho Chi Minh là tên thi đấu của anh trong đội. Và đến giờ, nhiều fan vẫn nhớ tới anh với cái tên này: “Nhiều người thấy lạ khi một người Venezuela mang một cái tên Việt Nam. Tuy nhiên, bản thân tôi đã xác định gắn bó với cái tên đó, cả trong hoạt động thể thao lẫn trong các việc khác. Gia đình tôi cũng không gọi tôi bằng tên đầu là Daniel mà luôn gọi tôi bằng tên Hồ Chí Minh. Thành thật mà nói, tôi cảm thấy vô cùng vinh dự khi được mang cái tên này, nhất là sau khi đã hiểu về tầm vóc trong nước và quốc tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hiểu về đất nước Việt Nam”.

“Xin chào Việt Nam. Cháu tên là Hanoi, năm nay cháu 7 tuổi. Cháu rất thích cái tên Hanoi, vì nó là tên thành phố nơi cháu được sinh ra. Cháu thích tên Hanoi còn là vì từ Hanoi có nhiều trên áo phông và các đồ lưu niệm của Việt Nam nữa. Bây giờ cháu xin hát một bài hát Việt Nam mà cháu biết hát từ lúc cháu còn bé xíu. Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng….”. - Hanoi tâm sự.

Không chỉ là cái tên - ảnh 2Cô bé Hanoi Colina Bastidas và ông ngoại, tại một hoạt động của Đại sứ quán Việt Nam tại Venezuela. (Ảnh: Nhân vật cung cấp

Cô bé Hanoi Colina Bastidas được sinh ra tại Bệnh viện Việt Pháp, Hà Nội, vào một ngày tháng 2 năm 2017. Bé là con gái thứ hai của Maikki Bastidas Estupiñán, người từng có 6 năm sống ở Hà Nội và có thời gian cộng tác với chương trình tiếng Tây Ban Nha, Đài TNVN. Trong sáu năm sống cùng gia đình ở phường Xuân La, quận Tây Hồ, tình yêu Hà Nội mỗi ngày mỗi lớn, đến độ Maikki quyết định mang thai và sinh con gái thứ hai tại đây và đặt tên con là Hanoi. Maikki cho biết: "Tôi đặt tên con gái là Hanoi, không chỉ bởi con được sinh ra ở đây mà còn vì tôi muốn đặt một cái tên có ý nghĩa cho con. Đó là một cái tên đẹp mà tôi biết từ khi còn là một thiếu niên. Ba tôi thường chỉ cho tôi cách học hỏi về thế giới, mở tầm mắt ra ngoài phạm vi đất nước Venezuela. Hồi đó, tôi thường tự hỏi: Hà Nội như thế nào nhỉ? Có đẹp như tên của mình không? Và khi chúng tôi tới sống ở Hà Nội, tôi thực sự phải lòng thành phố này. Hà Nội từng chịu mưa bom bão đạn trong chiến tranh nhưng đã vươn lên và trở thành một thành phố vì hòa bình. Hà Nội có tất cả những nét đối lập nhưng là những nét đối lập tích cực, vừa hiện đại vừa cổ kính. Con gái của tôi cũng sẽ là cô gái có những mặt đối lập và độc đáo: là cô gái Latinh mang tên của một đất nước châu Á, nhưng là nước châu Á khác biệt nhất”.

Người Venezuela vốn cởi mở với tên nguồn gốc nước ngoài. Tại đây không khó bắt gặp những cái tên có xuất xứ Anglo-Saxon, như: Yaquelin, Lisnayder Neybel, Yessica Leidi, hay giống tên địa danh của các nước xa xôi ở Châu Á hoặc Châu Phi, như: Kenia, Nairobi. Nói về hiện tượng này, nhà báo, nhà ngoại giao Angel Bastidas, ông ngoại của bé Hanoi Colina Bastidas, cho biết: “Việc đặt tên cho con cái theo tên nước ngoài, đặc biệt là tên các anh hùng cách mạng khá phổ biến ở Venezuela, một quốc gia từ 25 năm nay theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Venezuela không phải đất nước xã hội chủ nghĩa nhưng chúng tôi đang trong quá trình hướng tới chủ nghĩa xã hội. Có một cựu võ sĩ nổi tiếng tên là Engels Pedroza được đặt theo tên người đồng sự của Karl Marx. Đồng nghiệp của tôi đặt tên cho con trai là Chelenin, là tên ghép của Che Guevara và Lenin, lãnh tụ của Liên Xô. Người Venezuela cũng đặt tên con có gốc tên Việt Nam. Ví dụ, có một nhạc sĩ nổi tiếng của dòng nhạc salsa tên Nguyễn Văn Trỗi Purroy, lấy nghệ danh là Troy Purroy. Giờ ở Venezuela, nhiều gia đình lấy tên anh hùng cách mạng để đặt cho con là chuyện rất bình thường”.

Sau mỗi cái tên cho con là cả một câu chuyện, một hoài bão. Dù cho lý do có là gì, khi đặt tên Việt cho con cháu mình, những người ông, người bà, người cha, người mẹ Venezuela đã và đang truyền cho thế hệ sau tình yêu với đất nước và con người Việt Nam, góp phần đưa hai dân tộc xích lại gần nhau hơn.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác