Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp

(VOV5) - Sáng 6/11, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường là thành viên Chính phủ đầu tiên trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.

Trả lời đại biểu Phạm Thi Thu Trang, Đoàn Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi, về việc phát huy vai trò của doanh nghiệp cũng như các cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, 

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết: Năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 57 khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp - ảnh 1 Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường. - Ảnh VGP/Nhật Bắc 

Đây là nghị định nhằm khuyến khích nhiều hơn, thuận lợi hơn để các doanh nghiệp tập trung đầu tư vào nông nghiệp. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục tham mưu chính sách với Chính phủ và Quốc hội, trong đó có việc thông qua Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) để thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. 

"Việt Nam coi doanh nghiệp cùng các Hợp tác xã là hạt nhân trong sự liên kết để tạo thành sản xuất lớn. Sau khi nghị định được ban hành, các tỉnh thành, địa phương đã triển khai… Chỉ trong vòng 3 năm vừa qua, số doanh nghiệp đầu tư trực tiếp vào lĩnh vực nông nghiệp đã tăng gấp 3 lần. Từ chỗ chỉ có trên 3.000 doanh nghiệp, đến nay đã có gần 12 nghìn doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Đó là thành công bước đầu của Việt Nam. Thứ 2, hầu hết các Tập đoàn lớn của Việt Nam đã hướng đến nông nghiệp, từ Tập đoàn TH, Tập đoàn Vinamilk; FLC… đã hướng vào các phân khúc của lĩnh vực nông nghiệp, tạo nên hạt nhân trong chuỗi liên kết ứng dụng công nghệ để tập trung phát triển lĩnh vực nông nghiệp hàng của của đất nước."

Trả lời các đại biểu về chất lượng, hiệu quả thực hiện Chương trình Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết: 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đã đạt những thành tựu toàn diện, bứt phá. Toàn bộ các thiết chế, cơ sở hạ tầng phát triển mạnh mẽ; 100% số xã có điện lưới; trên 99% số thôn có điện. Tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại, đó là đời sống của người dân vùng nông thôn, mặc dù đã được nâng lên 3,5 lần, mục tiêu là 2,5 lần, nhưng so với thực tế, nguyện vọng của người dân thì vẫn còn thấp. Thứ 2 là tiêu chí môi trường chưa đảm bảo. Thứ 3 là việc hình thành các khu vực sản xuất lớn, sản xuất liên kết, sản xuất chuỗi ở khu vực nông thôn còn chưa tốt. 

"Tại Lễ tổng kết 10 năm xây dựng nông thôn mới, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho ngành nông nghiệp và các ngành khác chuẩn bị tham mưu, để giai đoạn 2021-2025 định dạng cho rõ, tập trung nguồn lực, giải pháp, công tác chỉ đạo… để giải quyết các nút thắt, tồn tại của phát triển nông thông. Đó là thúc đẩy sản xuất, văn hóa xã hội, môi trường, tổ chức sản xuất lớn." Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, 

Phát biểu tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng cho biết: Năm 2019 là năm thử thách đặc biệt cho ngành nông nghiệp Việt Nam. Tình hình thiên tai, dịch bệnh, áp lực của thị trường xuất khẩu… nhưng ngành nông nghiệp Việt Nam đã dành được những kết quả rất khích lệ. Việt Nam đã hạn chế thấp nhất tác hại của dịch bệnh. Đồng thời việc khai thác các thị trường, tăng trưởng các mặt hàng rất tích cực.

Theo chương trình, tại phiên làm việc buổi chiều, Quốc hội tiến hành chất vấn Nhóm vấn đề thứ hai đối với Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác