Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2016

(VOV5) -  Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2016 và thảo luận về dự án Luật phí, lệ phí.



Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2016 - ảnh 1

Đại biểu Quốc hội đồng ý giám sát chuyên đề về xây dựng nông thôn mới
 gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.


Theo Nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2016 vừa được Quốc hội thông qua tại phiên họp sáng nay, năm 2016, Quốc hội xem xét thảo luận báo cáo công tác cả nhiệm kỳ khóa 13 của Quốc hội, báo cáo của Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước. Quốc hội cũng xem xét thảo luận báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri; báo cáo kết quả công tác bầu cử đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ khóa 14 và đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016-2021…. Quốc hội giám sát chuyên đề việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 -2015, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.


Thảo luận về dự án Luật phí, lệ phí các đại biểu nhất trí cao với việc cần thiết ban hành luật phí và lệ phí nhằm khắc phục một số tồn tại trong pháp lệnh phí, lệ phí hiện hành, đáp ứng kịp thời sự phát triển kinh tế xã hội, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia cung cấp dịch vụ công… Về quy định miễn giảm phí và lệ phí, nhiều ý kiến đề nghị cần quy định rõ hơn về nguyên tắc miễn, giảm các loại phí, lệ phí, để đảm bảo công bằng, minh bạch, khả thi và có thể thực hiện thống nhất trong thực tiễn. Ông Nguyễn Văn Cảnh, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định, cho rằng: Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân vì vậy việc đảm bảo công bằng đối với người dân quyết định ai được miễn được giảm phí, lệ phí và được giảm bao nhiêu thì nên do Quốc hội hoặc Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định sẽ phù hợp hơn là giao cho Chính phủ quyết định. Còn về mức thu bao nhiều đối với từng loại phí lệ phí, tôi đồng tình dự thảo luật giao Chính phủ quyết định để phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội trong từng thời kỳ.

Nhiều đài biểu nhấn mạnh việc xây dựng dự án luật phí, lệ phí tránh tình trạng xảy ra phí chồng phí, hoặc mở rộng quá nhiều khoản phí, lệ phí tạo gánh nặng cho người dân./.

Phản hồi

Các tin/bài khác