Quốc hội chất vấn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

(VOV5)- Trong phiên chất vấn sáng 17/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận được các câu hỏi liên quan đến nhiều lĩnh vực từ kinh tế vĩ mô, tổ chức bộ máy, chống tham nhũng, hội nhập quốc tế.


Quốc hội chất vấn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc  - ảnh 1
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời phiên chất vấn sáng 17/11. Ảnh: quochoi.vn


Trong lĩnh vực kinh tế, ở tầm vĩ mô, Thủ tướng cho biết mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Quốc hội vừa thông qua là mục tiêu cao trong bối cảnh Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên dù khó khăn, thách thức lớn nhưng Chính phủ vẫn phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất, sẽ có nhiều biện pháp để giải quyết, trong đó bám vào các thành tố của GDP như nguồn đầu tư, nguồn tiêu dùng, đặc biệt là phải đẩy mạnh xuất khẩu. Song song với đó là tiếp tục tạo môi trường đầu tư thông thoáng hơn, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế. Thủ tướng cũng cho biết trong thời gian tới việc tự chủ về kinh tế có vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của Việt Nam "Trong thời đại mới, Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng nhưng vấn đề độc lập tự chủ của nền kinh tế phải được chú trọng, không phụ thuộc 1 thị trường, 1 đối tác. Những thành tố như tiền tệ, năng lượng, lương thực phải được đảm bảo để tránh phụ thuộc vào nước khác. Phải có nhiều biện pháp để xây dựng nền kinh tế độc lập, phải phát triển các thế mạnh của Việt Nam như nông nghiệp hữu cơ, du lịch, công nghệ thông tin..."

Thủ tướng cũng cho biết Việt Nam sẽ tập trung xử lý nợ xấu với 3 nhiệm vụ chính là xây dựng khung thể chế pháp lý tốt hơn; kiểm soát chặt chẽ, không để phát sinh nợ xấu mới; hoàn thiện đề án toàn diện để xử lý nợ xấu của Việt Nam. Đối với các dự án lớn gây thua lỗ lớn trong thời gian qua, hướng xử lý mà Thủ tướng đề cập là kiên quyết không bù lỗ, sẽ bán khoán, cho thuê các doanh nghiệp đã thua lỗ.


Quốc hội chất vấn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc  - ảnh 2
Phiên chất vấn thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sáng 17/11. Ảnh: quochoi.vn


Trong lĩnh vực đối ngoại, đề cập quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ thời gian tới, sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống, Thủ tướng cho biết: "Việt Nam có quan hệ với cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa. Việt Nam đã có 10 cơ chế quan hệ với Hoa Kỳ và sẽ tiếp tục thực hiện cơ chế đó. Đảng và Nhà nước Việt Nam thực hiện chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế. Việt Nam  sẵn sàng hợp tác với Hoa Kỳ để cùng nhau phát triển trên tinh thần tôn trọng độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, không phương hại lẫn nhau. Tôi tin chắc rằng thời gian tới quan hệ Việt  Nam – Hoa Kỳ sẽ tốt hơn vì lợi ích chung của 2 nước."

Trả lời chất vấn về tương lai của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Thủ tướng khẳng định: "Việt Nam đã chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tham gia Hiệp định này. Tinh thần chính là sẵn sàng tham gia TPP tuy nhiên dù TPP có được nghị viện các nước thành viên phê chuẩn hay không thì Việt Nam vẫn tiếp tục hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới. Tham gia TPP rất tốt nhưng nếu không tham gia thì Việt Nam vẫn tiếp tục có chương trình hội nhập trong thời gian tới, trong đó có cả hội nhập với ASEAN"

Cũng trong lĩnh vực kinh tế đối ngoại, Thủ tướng nêu rõ việc trao đổi hợp tác với các nước ASEAN trong thời gian tới là quan trọng và sẽ đẩy mạnh hoạt động đầu tư, xuất nhập khẩu, đẩy mạnh hợp tác giáo dục văn hóa.

Tổng kết phiên chất vấn các thành viên Chính phủ sáng 17/11, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận xét: "2,5 ngày chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, thẳng thẳn với hơn 200 lượt đại biểu đặt câu hỏi chất vấn. Phiên chất vấn lần này đã tăng tính tranh luận để làm rõ thêm các vấn đề. Các thành viên Chính phủ đã cố gắng giải trình làm rõ vấn đề mà đại biểu nêu ra và quyết tâm tạo chuyển biến tình hình trong thời gian tới." 

Chủ tịch Quốc hội cho biết sau phiên họp này, Quốc hội giao các cơ quan của Quốc hội tiếp tục giám sát việc thực hiện các nội dung đã đưa ra chất vấn. 

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác