Quốc hội thảo luận nhiều nội dung quan trọng liên quan đến các dự án Luật sửa đổi

(VOV5) - Tại phiên thảo luận, đa số các vị đại biểu nhất trí về sự cần thiết phải sửa đổi Luật Công đoàn.

Hôm nay (18/06), tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, tại nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận nhiều nội dung quan trọng liên quan đến dự án Luật Công đoàn (sửa đổi), Luật Dược (sửa đổi), Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Quốc hội thảo luận nhiều nội dung quan trọng liên quan đến các dự án Luật sửa đổi - ảnh 1Quang cảnh phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

Tại phiên thảo luận, đa số các vị đại biểu nhất trí về sự cần thiết phải sửa đổi Luật Công đoàn, đồng thời đề nghị cần rà soát đảm bảo nội dung của dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) phải đảm bảo tương thích với các Luật Nhà ở, Luật Bảo hiểm xã hội, Bộ luật Lao động, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Thảo luận về Luật Công đoàn (sửa đổi), các đại biểu đề nghị làm rõ một số nội dung liên quan đến: quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn; hệ thống tổ chức của Công đoàn Việt Nam; hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát và phản biện xã hội của Công đoàn Việt Nam. Bên cạnh đó các đại biểu Quốc hội cũng quan tâm, tập trung thảo luận về các chế định quan trọng khác, như: Đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; Phát triển đoàn viên công đoàn, công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở; Quyền của đoàn viên công đoàn… Tại phiên họp, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang giải trình, làm rõ một số vấn đề các đại biểu Quốc hội đã nêu.

Cùng ngày, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Trong đó, dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) nhằm hoàn thiện các quy định của pháp luật về di sản văn hóa hiện hành, tạo cơ sở pháp lý cho bước phát triển mới trong các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; đảm bảo tính kế thừa, tính thống nhất, đồng bộ giữa Luật Di sản văn hóa với các luật khác có liên quan. Đồng thời, việc sửa luật còn tạo điều kiện thuận lợi trong các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, các hoạt động dịch vụ, hợp tác công tư trong lĩnh vực di sản văn hóa..., và đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác