Tạo điều kiện để người dân thành lập và tham gia các tổ chức hội

(VOV5)- Luật cần tạo điều kiện thuận lợi để người dân thành lập và tham gia các tổ chức hội.


Cho ý kiến dự án Luật về hội trong phiên họp sáng nay, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc xây dựng Luật là cần thiết để thể chế hóa quy định của Hiến pháp 2013 về quyền lập hội, đáp ứng nhu cầu của người dân, đồng thời Luật cũng cần tạo điều kiện thuận lợi để người dân thành lập và tham gia các tổ chức hội. Nhận định đây là dự án Luật đặc biệt quan trọng, có tác động sâu sắc đến quyền con người, quyền công dân và tình hình an ninh chính trị của đất nước, các đại biểu đều tán thành cao về sự cần thiết xây dựng dự án Luật về hội để thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng và cụ thể hóa quy định của Hiến pháp 2013 về quyền lập hội của công dân, đáp ứng nhu cầu của người dân, đồng thời phát huy vai trò của hội và tăng cường hiệu lực quản lý của Nhà nước đối với hội. 

Tạo điều kiện để người dân thành lập và tham gia các tổ chức hội - ảnh 1
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu ý kiến tại phiên họp (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)


Đa số ý kiến thảo luận cũng đồng tình với quy định người nước ngoài sinh sống và làm việc hợp pháp tại Việt Nam được tham gia hội. Bên cạnh đó, một số đại biểu đề nghị các quy định của dự thảo Luật cần theo hướng ngày càng phát huy dân chủ của người dân khi tham gia hội, song đặt dưới sự quản lý của nhà nước, đồng thời giảm bớt xu thế hành chính hóa của hội.

Tại phiên họp diễn ra sáng cùng ngày, Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội thẩm tra báo cáo của Chính phủ về tình hình quản lý Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá và cho ý kiến về các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015. Tại phiên họp, các thành viên Ủy ban đề nghị làm rõ nguyên nhân giải ngân chậm của Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá; vai trò của các tổ chức xã hội trong việc tham gia hoạt động tuyên truyền về phòng, chống tác hại của thuốc lá…

Về kết quả thực hiện 7 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015 thuộc lĩnh vực của Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội phụ trách, các đại biểu cho rằng, kết quả của các chương trình mục tiêu có tác động trên phạm vi rộng, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an sinh xã hội của đất nước. Với các chương trình mục tiêu quốc gia thuộc lĩnh vực y tế, các đại biểu đề nghị: cần định hướng cho các địa phương thực hiện các chương trình này. Đặc biệt, cần quan tâm hơn đến y tế dự phòng. Về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, các đại biểu đề nghị: trong giai đoạn 2016-2020, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cần chọn mục tiêu ưu tiên; Mục tiêu chương trình phải tương xứng với vùng nghèo nhất, người nghèo nhất; Có cơ chế cho các chương trình khuyến khích đăng ký xã thoát nghèo, gia đình thoát nghèo.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác