Thông tin biển đảo 24/12/2022

(VOV5) - Chuyến công tác chở hàng quà Tết từ đất liền đến với quân và dân trên huyện đảo Trường Sa. 

Đoàn công tác đi thăm, chúc Tết quân và dân huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa)

Chiều ngày 21/12, tại Quân cảng Cam Ranh, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân đã tổ chức Lễ tiễn đoàn công tác đi thăm, chúc Tết quân và dân huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa nhân dịp Xuân Quý Mão 2023.

Thông tin biển đảo 24/12/2022 - ảnh 1Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa và Vùng 4 Hải quân tặng quà cán bộ, chiến sĩ trước khi lên tàu. Ảnh:qdnd.vn

Chuyến công tác chở hàng quà Tết từ đất liền đến với quân và dân trên huyện đảo Trường Sa. Ngoài những nguyên liệu dành cho những ngày Tết như lá dong, gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn... để gói bánh chưng, bánh tét, chuyến hải trình lần này còn mang theo những vật dụng để trang trí phòng đón xuân như đèn nháy, quất, đào, mai... và còn nhiều quà tặng là vật dụng sinh hoạt khác.

 

Kiên Giang đưa hàng hóa ra xã đảo phục vụ người dân trong dịp Tết Nguyên đán
Theo Sở Công Thương tỉnh Kiên Giang, dịp Tết Nguyên đán Qúy Mão năm 2023, tỉnh tổ chức đưa hàng bình ổn giá ra 7 xã đảo trên vùng biển Tây Nam thuộc địa bàn tỉnh phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Cụ thể là các xã đảo Hòn Tre, An Sơn, Nam Du, Lại Sơn (huyện Kiên Hải); Tiên Hải (thành phố Hà Tiên); Hòn Nghệ, Sơn Hải (huyện Kiên Lương).

Thông tin biển đảo 24/12/2022 - ảnh 2Hàng hóa phục vụ tiêu dùng dịp Tết Quý Mão được chở ra đảo Hòn Tre (huyện Kiên Hải). Ảnh: Quốc Bình/sggp.org.vn

Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh  Kiên Giang, Lâm Huỳnh Nhân, cho biết: hàng hóa đưa ra đảo trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc đa dạng, đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, giá cả hợp lý do các cơ sở, doanh nghiệp có uy tín trong và ngoài tỉnh sản xuất, nhất là những mặt hàng thiết yếu, nhu yếu phẩm cần thiết của người dân. Cụ thể là thịt lợn, gạo nếp, đậu các loại, sữa, dầu ăn, nước mắm, nước chấm, gia vị, bánh kẹo, mứt, thực phẩm chế biến, rượu, bia, trứng và các mặt hàng phòng, chống dịch COVID-19.

Khai mạc Festival nghệ thuật môi trường biển Hội An

Hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia 2022: Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh, ngày 22/12, tại thành phố Hội An, Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam phối hợp với Văn phòng Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) tại Hà Nội và cộng đồng du lịch Làng chài Tân Thành (phường Cẩm An, Hội  An) khai mạc Festival nghệ thuật sắp đặt môi trường biển Hội An 2022.

Thông tin biển đảo 24/12/2022 - ảnh 3Festival nghệ thuật sắp đặt môi trường biển Hội An 2022 khuyến khích du khách sử dụng các sản phẩm tái chế. Ảnh: TTXVN 

Festival giúp gắn kết cộng đồng doanh nghiệp du lịch, cộng đồng địa phương với khách du lịch gần xa, trong đó có cộng đồng người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Hội An. Điểm nhấn của Festival là 18 tác phẩm nghệ thuật sắp đặt hình thành nên “Con đường nghệ thuật môi trường biển” có ý nghĩa giáo dục, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc gìn giữ môi trường biển. Festival cũng phát đi thông điệp kêu gọi mỗi người cùng nhau bảo vệ loài cá mó (cá vẹt), giúp khôi phục rạn san hô, giảm thiểu sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, thay đổi thói quen sinh hoạt theo hướng có lợi cho môi trường sinh thái, môi trường biển.  

Festival diễn ra đến hết ngày 24/12.

Tăng cường khả năng chống chịu với khí hậu tại ven biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Chiều 20/12, tại tỉnh Cà Mau, Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) phối hợp với Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Cà Mau tổ chức Khởi động dự án tăng cường khả năng chống chịu với khí hậu của hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái nông nghiệp và cộng đồng tại khu vực ven biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Thông tin biển đảo 24/12/2022 - ảnh 4Ông Văn Ngọc Thịnh, Trưởng đại diện Tổ chức WWF tại Việt Nam phát biểu. Ảnh: Huỳnh Anh/TTXVN

Dự án nhằm nâng cao khả năng chống chịu với khí hậu của hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái nông nghiệp và cộng đồng địa phương tại khu vực ven biển tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu.

Trong 3 năm tới, Dự án đặt mục tiêu trồng mới và áp dụng các hướng dẫn quản lý bền vững rừng ngập mặn kết hợp với sinh kế cho khoảng 8.000 nông dân. Dự án còn hỗ trợ trồng mới 60ha rừng phòng hộ và tăng năng suất thu nhập của người dân lên ít nhất 1,2 lần thông qua thí điểm các mô hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu. Đặc biệt, để thực hiện cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 như phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị lần thứ 26 các bên gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26, Anh năm 2021), Dự án sẽ hỗ trợ cho 2 tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu triển khai thực hiện chính sách liên quan đến tính toán phát thải, khả năng hấp thụ carbon từ hoạt đồng trồng, bảo vệ rừng và sinh kế bền vững.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác