Sáng nay (18/3) tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc Tổng kết 10 năm thực hiện Đề án An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020. Đề án được triển khai theo Kết luận số 53 năm 2009 của Bộ Chính trị. Cùng tham dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trugn ương Nguyễn Văn Bình.
|
Thủ tướng nhấn mạnh phải đảm bảo an ninh lương thực trong bất kỳ hoàn cảnh nào |
Cần chuyển sang tư duy kinh doanh lương thực
Phát biểu thảo luận tại hội nghị, ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp cho rằng, Luật Đất đai sửa đổi sắp tới cần phù hợp theo định hướng mới về an ninh lương thực với chiến lược đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Đặc biệt phải chuyển từ tư duy sản xuất lương thực sang kinh doanh lương thực, trọng cầu hơn trọng cung, trọng chất hơn trọng lượng, trọng giá trị hơn trọng hình thức. Việc chuyển đổi này phải gắn liền với chọn các vùng sản xuất trọng điểm để đảm bảo an ninh lương thực.
Ông Lê Minh Hoan cho biết, một địa bàn vùng trọng điểm là vùng đồng bằng sông Cửu Long, đề xuất có chính sách chiến lược chương trình 10 năm, kế hoạch đầu tư cho nông nghiệp và lương thực cho 5 năm và hàng năm. Cần có cơ chế chính sách rõ ràng cho đầu tư tư nhân vào lĩnh vực nông nghiệp, không thể chung chung như thời gian qua. Cùng với đó là chọn địa bàn trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long đầu tư cho nông nghiệp, lương thực với chính sách khuyến khích khác biệt với các vùng miền khác. Đây chính là “vốn mồi” đối với đầu tư tư nhân. Đối với các vùng miền khác, công bố rõ ràng, ưu tiên lĩnh vực khác có lợi thế hơn không phải là nông nghiệp.
Với Thanh Hóa, cho biết là tỉnh thừa 900.000 tấn lương thực mỗi năm, nhưng người nông dân vẫn nghèo, ông Trịnh Văn Chiến, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa cho rằng, cần tính toán lại diện tích đất lúa cho phù hợp, chuyển đổi sang lĩnh vực khác mang lại hiệu quả hơn trên cơ sở vẫn đảm bảo an ninh lương thực.
Ông Chiến cho rằng, nên xác định nhu cầu lương thực của đất nước trên cơ sở dân số, tốc độ phát triển, thị hiếu tiêu dùng để đưa ra tổng sản lượng lương thực cả nước bao nhiêu là phù hợp. Chúng ta làm như vậy sẽ có đề án tổng thể cả nước và như vậy có chính sách để giữ đất lúa ra sao cho phù hợp. Chúng ta cũng phải chuyển sản xuất lương thực sang gắn với marketting, coi đó là ngành kinh doanh để nâng cao hiệu quả.
Ở góc độ doanh nghiệp, bà Bùi Thị Thanh Tâm, Tổng giám đốc Tổng Công ty lương thực miền Bắc (Vinafood 1) cho rằng, kinh nghiệm các nước cho thấy, các doanh nghiệp lương thực lớn của Chính phủ có vai trò quan trọng trong bình ổn thị trường và thực hiện nhiệm vụ chính trị khi cần thiết:
“Trong đợt dịch vừa qua, trong việc đột biến rất ngắn, mặc dù Việt Nam là nước xuất khẩu gạo, nói về thiếu lương thực không ai chấp nhận được. Tuy nhiên vẫn xảy ra cục bộ. Năm 2008 cũng đã xảy ra một lần, chỉ thiếu trong khoảng thời gian rất ngắn nhưng gây bất ổn xã hội rất lớn. Nếu không có chuỗi dự trữ lưu thông bình ổn của các công ty lương thực thì rất khó thực hiện được nhiệm vụ bình ổn. Nếu chỉ dựa vào các công ty tư nhân thì rất khó. Cho nên kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành cân nhắc một tỷ lệ (vốn) hợp lý để nắm tại Tổng công ty để khi cần lệnh không phải họp đại hội đồng cổ đông thuyết phục họ cho mình thực hiện”- Bà Bùi Thanh Tâm nói.
|
Thủ tướng Chủ trì hội nghị. |
Trao đổi về nội dung này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, quan điểm cổ phần hóa DNNN là đúng để huy động các nguồn lực, thậm chí huy động sự giám sát trong chống tham nhũng tiêu cực. Nhưng những khâu quan trọng Nhà nước phải nắm để điều hành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Không có tổng công ty lương thực lớn mà Nhà nước nắm cổ phần chi phối thì làm sao được. Những công ty cấp nước cho nhân dân cũng vậy, hay cung cấp điện đến nhân dân trong bối cảnh thiếu năng lượng thì làm sao có thể điều tiết được. Mặc dù chúng ta huy động các thành phần kinh tế cùng tham gia rất lớn, nhưng những quả đấm then chốt chúng ta phải nắm để nâng cao năng lực ứng phó.
Đảm bảo lương thực trong bấy kỳ hoàn cảnh nào
Thủ tướng đánh giá, sau 10 năm triển khai Đề án an ninh lương thực quốc gia đến năm 2020, kết quả đạt được là toàn diện. Sản xuất tăng trưởng nhanh, ổn định, đa dạng, tạo khối lượng lương thực thực phẩm cơ bản đáp ứng nhu cầu nhân dân, góp phần nâng cao sức khỏe và tuổi thọ của người dân, thuộc nhóm đầu châu Á. Lĩnh vực nông nghiệp được tái cơ cấu, phát huy lợi thế và tăng cường xuất khẩu. Riêng nông sản xuất khẩu tăng nhanh, đạt 41 tỷ USD vào năm ngoái. Song song với thành tựu đó, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến an sinh xã hội, nhất là người nghèo, gia đình có công, để không ai bị bỏ lại phía sau:
Thủ tướng cho rằng, trước dịch Covid, chúng ta quan tâm đến toàn dân, một ưu việt của chế độ chúng ta là như vậy. Chăm sóc mọi công dân Việt Nam, quan tâm đến người nước ngoài, xử lý các vấn đề giàu tính nhân văn. Trong nông nghiệp, nông thôn, an ninh lương thực cũng như vậy. Cho nên hàng năm Chính phủ cấp phát cho không 200 nghìn tấn gạo, nhất là hỗ trợ các đối tượng thiên tai, người nghèo, gia đình chính sách; hỗ trợ lương thực cho người trông rừng. Và như vậy chúng ta đạt các mục tiêu kép tăng trưởng, xuất khẩu, an sinh xã hội, đảm bảo môi trường. Hiện tỷ lệ che phủ rừng đã trên 41,8%. Hộ nghèo chỉ còn khoảng 4%. Khẳng định niềm tin này khi bước vào đại hội các cấp để người dân yên tâm.
Trước khi nêu các nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ, thời gian qua, an ninh lương thực càng trở nên bức thiết hơn. Hiện có gần 900 triệu người trên thế giới đang thiếu đói. Thiên tai, thời tiết, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, tốc độ đô thị hóa cao, dịch bệnh bất thường là những thách thức rất lớn, đỏi hỏi phải giữ vững quan điểm đảm bảo an ninh lương thực trong mọi tình huống.
Thủ tướng nhấn mạnh, đóng góp vào an ninh lương thực thế giới là cần thiết, nhưng trước hết phải lo cho gần 100 triệu dân nước ta. Đây là mặt hàng thiết yếu, cần thiết, ổn định trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Cách đây vài hôm khi có một số cá nhân từ nước ngoài vào Việt Nam bị nhiễm Covid-19, thị trường đã có sự nhốn nháo, nhất là có tình trạng mua lương thực dự trữ. Thủ tướng phải điện thoại chỉ đạo lãnh đạo Tổng Công ty lương thực miền Bắc đưa lương thực bán đầy đủ cho dân, bán đến 11 giờ đêm để bình ổn. Điều đó cho thấy nếu chúng ta không có lương thực thì thực hiện làm sao được điều này?. Cho nên dự trữ lương thực, ổn định trong mọi điều kiện rất quan trọng. Đây là mặt hàng chính yếu, chiến lược và không được coi thường. Cho nên chúng ta sống trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tương tác với thế giới ảo, nhưng chúng ta không được ảo. An ninh lương thực luôn luôn là vấn đề hệ trọng với mọi quốc gia, nhất là trong bối cảnh bất ổn chính trị, biến đổi khí hậu liên tục xảy ra, đặc biệt là an ninh phi truyền thống như bệnh tật xảy ra. Do đó, đảm bảo an toàn, ổn định cho người dân là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước chúng ta.
Tán thành với các đại biểu về việc cần tiếp tục tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, đa dạng hóa các cây trồng, vật nuôi, nhưng riêng đối với đất lúa, Thủ tướng nêu quan điểm thảo luận.
Theo Thủ tướng, phải chốt cứng diện tích trồng lúa và sản lượng lương thực hàng năm, tăng cường khả năng dự trữ. Tinh thần dự trữ chủ động đối với an ninh lương thực càng phải đặt ra. Có thể sản xuất đa dạng, nhưng riêng với đất lúa thì phải chốt cứng. Đi liền với việc đó là gắn sự phát triển nông nghiệp với sự phát triển, tái cơ cấu chung của nền kinh tế dựa trên quy luật phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tiếp tục tái cơ cấu lại nông nghiệp để tìm phương án tối ưu, nâng cao năng suất trên phạm vi quốc gia. Quan điểm một và quan điểm hai không mâu thuẫn nhau. Tôi đồng ý đỗ tương, bông... có thể phải mua nước ngoài, nhưng riêng gạo và một số thực phẩm chủ yếu của người dân thì phải đảm bảo an toàn.
|
Thủ tướng phát biểu tại hội nghị |
Phấn đấu xuất khẩu nông sản đạt 100 tỷ USD
Từ các quan điểm đó, Thủ tướng nêu một số mục tiêu quan trọng, đó là đáp ứng thỏa mãn cho nhu cầu dinh dưỡng, cơ cấu thực phẩm hợp lý, khoa học trong từng giai đoạn, kể cả lượng và chất, ít nhất cho quy mô 104 triệu người vào năm 2030. Cùng với đó là thúc đẩy tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, tăng cường xuất khẩu để có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu 9-10% /năm. Riêng lĩnh vực nông nghiệp, phấn đấu năm 2030 xuất khẩu đạt 100 tỷ USD. Rà soát tài nguyên đất đai, phát huy lợi thế từng vùng, nâng cao độ che phủ rừng với tỷ lệ 45% trở lên, trong đó một nửa là rừng phòng hộ và đặc dụng.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng chỉ đạo một số giải pháp. Trong đó, về lúa gạo và đất lúa, Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ trình Bộ Chính trị cần giữ trên 3,5 triệu ha đất trồng lúa để có ít nhất 35-38 triệu tấn lúa, tương ứng 22 triệu tấn gạo, phục vụ cho cân đối là tiêu dùng trong nước, xuất khẩu, chế biến, đặc biệt là cho dự phòng... Về thực phẩm và thịt, cần tăng nhanh sản lượng từ 1 lên 3 triệu tấn đến năm 2030, vì đây là loại thực phẩm góp phần cải thiện sức khỏe, tầm vóc giống nòi.
Sau hội nghị này, Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Văn phòng Chính phủ hoàn thiện báo cáo xây dựng Dự thảo Kết luận của Bộ Chính trị để xem xét ban hành, làm cơ sở cho các bước triển khai tiếp theo. Cùng với đó là xây dựng một dự thảo Nghị quyết mới của Chính phủ thay thế Nghị quyết số 63 về đảm bảo an ninh lương thực quốc gia; Xây dựng Đề án đảm bảo an ninh lương thực quốc gia giai đoạn 2021-2030 trình Bộ Chính trị.
Vũ Dũng/VOV