(VOV5) - Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu là người giản dị, chân tình, thu hút người khác từ cái bắt tay, lời chào hỏi đến lối nói chuyện rành mạch.
Từng giữ nhiều trọng trách từ địa phương đến Trung ương, trong đó có 2 nhiệm kỳ làm Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền của Lào tại Việt Nam, ông Vilayvanh Phomkhe- nguyên Bộ trưởng Bộ Nông Lâm Lào, nguyên Bí thư –Tỉnh trưởng tỉnh Savanakhet đã nhiều lần gặp và tiếp xúc và có nhiều ấn tượng tốt đẹp về Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu.
Thông tin Nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Khả Phiêu từ trần được chúng tôi mang đến khi ông đang trao đổi công việc với người làm trong trang trại cách trung tâm tỉnh Bolikhamxay mấy mươi cây số.
Trong căn nhà ẩn mình giữa màu xanh bạt ngàn của cây trái, ông dành cho chúng tôi cuộc nói chuyện đầy xúc động về nhà lãnh đạo Việt Nam nhiều ấn tượng- theo cách nói của ông Vilayvanh được lần giở từng trang.
|
Ông Vilayvanh và bức ảnh kỷ niệm với Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu tại Hội thảoChiến thắng đường 9 - Nam Lào tổ chức tại Quảng Trị năm 2006 . |
Theo ông, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu là một người giản dị, chân tình, luôn thu hút người khác từ cái bắt tay, lời chào hỏi đầu tiên đến lối nói chuyện rành mạch, dễ hiểu về các vấn đề chính trị, ngoại giao, quan hệ đối ngoại …
Ông còn nhớ mãi lần tham gia đoàn đón Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu sang thăm Lào năm 1998, lúc đó ông là Thứ trưởng Ngoại giao - Phó trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào.
Lúc đó lần đầu tiên ông được gặp Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, được bắt tay, nghe được tiếng nói, thấy được thái độ giản dị của Tổng Bí thư từ khi vừa bước xuống xe.
Theo lời kể của ông Vilayvanh Phomkhe, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu rất khiêm tốn. Trong quá trình làm việc hai ngày đó, ông làm việc rất nhiều nơi, rất tích cực. Lúc phát biểu trong hội trường cũng như ở tiệc chiêu đãi, ông nói rất rõ, ngắn gọn và rất sâu sắc.
Ông Vilayvanh Phomkhe nhớ như in sự thân thiện mà quyết đoán của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu trong buổi tiếp kiến, khi ông bắt đầu nhiệm kỳ Đại sứ của mình.
Khi ông đề nghị tăng thêm số học bổng cho sinh viên và cán bộ Lào sang Việt Nam học tập nhiều hơn nữa để giúp Lào có đội ngũ cán bộ xây dựng đất nước, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã đồng tình và hứa sẽ chỉ đạo giải quyết ngay. Là người lãnh đạo cao nhất của Đảng, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu luôn chỉ đạo các cơ quan chức năng của Việt Nam phối hợp với Lào để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, thúc đẩy sự hợp tác giữa hai nước ngày càng đi vào chiều sâu và đạt hiệu quả thực chất.
“Ý kiến của Đại sứ là rất đúng, tôi sẽ đưa ra Bộ Chính trị", ông hứa như thế. Sau ba bốn tháng là thấy kết quả ngay. Lúc tôi rời Việt Nam năm 2003, số người Lào học từ đại học đến Tiến sĩ đã là 1500”- ông Vilayvanh Phomkhe nhớ lại.
Theo lời kể ông Vilayvanh Phomkhe, đối với Lào, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu rất ưu ái, nhiệt tình, chỉ đạo sâu sát. Tổng Bí thư giao cho Phân ban hợp tác Việt –Lào tìm hiểu, nghiên cứu xem quan hệ Việt Nam – Lào còn vướng mắc gì, còn gì cần giải quyết. Từ chỉ đạo đó mà mới có cuộc họp giữa Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phó Thủ tướng Lào Somsavat Lengsavad ở Cửa Lò giải quyết được rất nhiều vấn đề.
|
Ảnh chân dung các nhà lãnh đạo Đảng- Nhà nước Việt Nam luôn được ông Vilayvanh treo trân trọng ở phòng khách của gia đình. |
Còn nhiều lắm những kỷ niệm về Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, nhưng có lẽ, sự nhiệt tình, xông xáo, làm việc quên mình là điều làm cho những người như ông Vilayvanh có dịp tiếp xúc hoặc làm việc, nhớ mãi về Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu.
Nâng niu bức ảnh chụp chung với Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu tại Hội thảo về Chiến thắng đường 9 tổ chức ở Quảng Trị năm 2006, ông Vilayvanh khi ấy là Bí thư- Tỉnh trưởng Savanakhet, xúc động bày tỏ lòng biết ơn Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu và Bộ Quốc phòng Việt Nam đã giúp đỡ nhiều hiện vật chiến tranh cho Bảo tàng Liên minh chiến đấu Lào - Việt khu vực đường 9.
"Bác nói: "Trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, nếu hai bên không giúp đỡ nhau thì sẽ rất khó thành công". Sau đó ông đi bộ vào xem bảo tàng luôn, chỗ Bản Đông ấy và nói: "Tôi ủng hộ ngay, anh cần gì?". Tôi rất cảm ơn bác Lê Khả Phiêu, nhờ Bác mà bây giờ bảo tàng đã trở thành nơi giáo dục truyền thống cho con cháu ở cả hai bên. Khách du lịch đi ngang qua đó, ai cũng vào thăm” - Ông Vilayvanh Phomkhe kể lại.
Đối với những người từng có thời gian học tập, công tác ở Việt Nam như ông Vilayvanh Phomkhe thì Việt Nam luôn ở trong tim. Cùng với chân dung các nhà lãnh đạo Lào, những hình ảnh về Bác Hồ và một số lãnh đạo Đảng – Nhà nước Việt Nam như Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu được ông treo trang trọng ở phòng khách của gia đình, như một cách bày tỏ sự ngưỡng mộ, biết ơn những bậc tiền bối, những người anh, người đồng chí mà mình vinh dự được làm việc, được gặp gỡ trong cuộc đời hoạt động cách mạng.
Vân Thiêng-Đặng Thùy/VOV-Vientiane