(VOV5) - Chương trình gồm các nội dung chính: hoàn thiện chính sách pháp luật về Net Zero; xây dựng mô hình chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh.
Sáng nay (10/01), Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ, UBND thành phố Cần Thơ tổ chức hội thảo khoa học triển khai Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) tại Việt Nam cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ thông tin về định hướng triển khai Chương trình KC.16/24-30. Ảnh: TTXVN |
Chương trình là nền tảng quan trọng để thúc đẩy các giải pháp đột phá, như: công nghệ thu giữ và lưu trữ carbon, giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi xanh và phát triển kinh tế tuần hoàn. Chương trình gồm các nội dung chính: hoàn thiện chính sách pháp luật về Net Zero; xây dựng mô hình chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh; giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Net Zero; công nghệ giảm phát thải trong các lĩnh vực (giao thông vận tải, nông nghiệp,...); các giải pháp kiểm kê và chứng nhận khí nhà kính, cảnh báo nguy cơ phát thải khí nhà kính… Mục tiêu đến năm 2030, Chương trình tạo ra các giải pháp đột phá về các công nghệ mới trong các ngành, lĩnh vực; các cơ chế, chính sách, giải pháp quản lý, kỹ thuật; nâng cao nguồn năng lực phục vụ mục tiêu giảm phát thải. Từ đó, góp phần thực hiện mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại Việt Nam.
Để Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long, lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ kêu gọi tất cả các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và nhà khoa học tiếp tục đồng hành, đề xuất các nhiệm vụ khoa học công nghệ phù hợp, cụ thể hóa lộ trình và nguồn lực để đưa các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn một cách nhanh chóng và hiệu quả. Cũng tại sự kiện, các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp thảo luận, đề xuất các giải pháp thiết thực để thực hiện mục tiêu Net Zero tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.